Cơ hội đầu tư vào tỉnh Sơn La và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. (eFinance Online) - Ngày 16/12/2014, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức buổi Tọa đàm và công bố thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Sơn La và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Tại buổi Tọa đàm và công bố thông tin, các bên trao đổi về tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế; Các địa điểm đầu tư; Cơ chế chính sách của tỉnh Sơn La trong việc thu hút đầu tư của các Doanh nghiệp. Đồng thời các DN cũng có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ các dự án mà tỉnh Sơn La đang kêu gọi đầu tư. Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu được thông qua thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển du lịch cả nước nói chung, tỉnh Sơn La và hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng”. Với quy hoạch này, việc đầu tư vào KDLQG Mộc Châu sẽ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Mục tiêu phát triển Khu DLQG Mộc Châu là trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đối với các chỉ tiêu phát triển ngành: Mục tiêu đến năm 2020 đón trên 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 10 nghìn lượt; Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tể đạt khoảng 50 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tương đương 70 triệu USD; Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD. Đối với chỉ tiêu việc làm: Năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động; Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động…
Quy hoạch cũng đưa ra các định hướng phát triển chủ yếu gồm Phát triển thị trường khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Hình thành các trung tâm phát triển du lịch; Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Đầu tư phát triển du lịch… Về giải pháp thực hiện, Quy hoạch nêu rõ cần: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh liên kết, họp tác phát triển; Tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá…
Thực hiện Quy hoạch, tỉnh Sơn La đã bước đầu xây dựng được một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc thù, cụ thể, phấn đấu thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư theo mức tối đa theo các quy định của Nhà nước; Ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư như: Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, Chính sách phát triển cây cao su, Chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020... Bên cạnh việc ban hành các chính sách, Tỉnh Sơn La chú trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư…
Đầu tư có trọng điểm
Về phía Ngân hàng, Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, tỉnh Sơn La cần tập trung vốn cho những ngành, lĩnh vực, vùng mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh. Cơ cấu đầu tư cần dựa vào mục tiêu phát triển KT-XH trong từng thời kỳ, phải lấy quy hoạch của các ngành, vùng làm cơ sở, phải đặt vấn đề đầu tư đạt hiệu quả và hợp lý, đồng thời, cần có đánh giá, phân tích các chỉ tiêu KT-XH mà tỉnh đã đạt được từ 2011 đến nay để xác định rõ lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng của tỉnh. Từ đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các lĩnh vực nhằm gia tăng nhanh tỷ trọng các lĩnh vực thế mạnh trong GDP và hạn chế các dự án phát triển kinh tế nhưng có thể tàn phá cảnh quan, môi trường. Các lĩnh vực mũi nhọn cần kêu gọi đầu tư gồm đầu tư cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ; Tăng cường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; Đầu tư cho các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất…
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV. |
Trên cơ sở các tiềm năng sẵn có, qua đánh giá các lĩnh vực ngành nghề thế mạnh của tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói riêng, đồng thời qua tư vấn của BIDV, tỉnh Sơn La đã đưa ra danh mục 21 dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, có tác động mạnh đến các lĩnh vực ngành nghề, vùng và có tính khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, di sản thiên nhiên để kêu gọi đầu tư trong năm 2014 - 2015. Trong đó, tập trung vào 04 lĩnh vực là du lịch, thương mại, dịch vụ (07 dự án); nông lâm nghiệp (08 dự án); công nghiệp chế biến, sản xuất (05 dự án); xây dựng (01 dự án).
Theo đó, du lịch, đặc biệt là Mộc Châu được coi là thế mạnh mà Sơn La sẽ tập trung đầu tư. Kể từ năm 2010 lượng khách du lịch đến Mộc Châu tăng nhanh đột biến. Theo thống kê: Năm 2010 Mộc Châu đón khoảng 288 nghìn lượt khách, Năm 2013 Mộc Châu đón 600 nghìn lượt khách, năm 2014 đón khoảng 850 nghìn lượt khách.Khách du lịch đến với Mộc Châu phân bổ tương đối đều trong năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào các dịp lễ hội, ngày nghỉ lễ, dịp tết Mông, mùa Đông, mùa hoa ban, hoa đào, hoa mận nở rộ. Về thị trường, các luồng khách chính của Mộc Châu bao gồm khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chiếm tỷ lệ 70 - 80% tổng số khách ; Khách từ các tỉnh Tây Bắc chiếm tỷ lệ từ 10 - 20% tổng số khách; Khách từ Lào qua cửa khẩu Lóng Sập chiếm tỷ lệ nhỏ từ 15 - 20% tổng số khách.
Thời gian tới, Tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chính như du lịch nghỉ dưỡng và điều dưỡng chữa bệnh; Du lịch tham quan sinh thái, dã ngoại đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông ngiệp; Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; Du lịch cộng đồng.
Sữa: Là sản phẩm nông nghiệp cũng được coi là đặc sản của Mộc Châu. Sữa Mộc Châu có chất lượng tốt và có thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt các trang trại nuôi bò sữa ở Mộc Châu hoàn toàn có thể phát triển thành các điểm tham quan du lịch.
Đại diện BIDV cũng đề nghị các nhà đầu tư trên cơ sở danh sách, thông tin các dự án tiêu biểu do UBND tỉnh Sơn La cung cấp, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và đề xuất những ý định đầu tư hiệu quả nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Sơn La. Với mong muốn là cầu nối giữa UBND tỉnh Sơn La với các nhà đầu tư, đồng thời với trách nhiệm của mình, BIDV sẽ dành nỗ lực cao nhất quan tâm đến sự phát triển của tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói riêng. Bên cạnh việc tiếp tục ban hành các gói sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn, BIDV cam kết song hành trong suốt thời gian hoạt động, áp dụng những chính sách ưu đãi nhất của BIDV, tạo điều kiện hỗ trợ thu xếp vốn tín dụng cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín với các dự án đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Sơn La.
Được biết, BIDV là một trong những định chế tài chính lâu đời có quy mô hoạt động và uy tín lớn nhất Việt Nam, trong thời gian qua BIDV luôn tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Chính phủ giao cũng như đồng hành với các Doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt các địa bàn miền núi khó khăn.
Tại Sơn La, hàng năm BIDV dành khoản tín dụng khoảng 4.000 tỷ để cho vay đầu tư cũng như cung ứng vốn lưu động cho các dự án đang là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là Thủy điện và Nông nghiệp. Các công trình phát triển kinh tế - xã hội nổi bật như: Thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm chiếm 2; Dự án xi măng Mai Sơn; Cho vay đầu tư khách sạn, phát triển chè xuất khẩu sang Đài Loan; Trồng và chế biến nông sản…
Bên cạnh đó, BIDV cũng thường xuyên xây dựng các cơ chế chính sách, các gói tín dụng ngắn hạn với lãi suất ưu đãi hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho các doanh nghiệp khó khăn ổn định và phát triển kinh doanh. Hàng năm, BIDV phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây bắc, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh triển khai các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục dành những khoản tín dụng ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu nói riêng phát triển, xây dựng các công trình, dự án hiệu quả.
Với những tiềm năng sẵn có, được Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 20130” cùng chính sách thu hút đầu tư đặc thù và sự hỗ trợ của BIDV, tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu nói riêng đang có những cơ hội mới để bứt phá trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư hấp dẫn của Khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ.
(T.Hương)