Không chỉ góp phần kết nối giao thương giữa hai nước, lĩnh vực hàng không còn mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản.
Hợp tác cùng có lợi
Việc All Nippon Airways (ANA) cử ông Koji Shibata, Phó tổng giám đốc cao cấp, Giám đốc Kế hoạch chiến lược châu Á - Thái Bình Dương tham gia ứng cử vị trí thành viên HĐQT tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã thể hiện sự tôn trọng, đánh giá cao cơ hội hợp tác của tập đoàn hàng không hàng đầu Nhật Bản này.
Ông Koji Shibata cũng là người đại diện phần vốn và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của ANA với 107.668.938 cổ phần, tương đương 8,771% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines - hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác các chặng bay Việt Nam - Nhật Bản với tần suất 66 chuyến bay mỗi tuần. Ảnh: Đức Thanh
Trước đó, ngày 1/7/2016, ANA đã chuyển cho Vietnam Airlines số tiền tương đương 109 triệu USD để hoàn tất thương vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Hãng, đồng thời chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.
“Tôi rất vinh dự khi được bổ nhiệm là thành viên HĐQT của Vietnam Airlines. Tôi nguyện sẽ đem hết sức mình đóng góp cho sự phát triển của Tổng công ty. Hai bên sẽ hợp tác để góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường hàng không đầy tiềm năng và cùng phát triển trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Sự hợp tác này cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc đi lại giữa nhân dân hai nước, tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế cũng như hiểu biết song phương”, ông Koji Shibata cho biết sau khi được Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietnam Airlines năm 2017 bầu làm thành viên HĐQT hôm 20/2/2017.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, ANA thực sự là một đối tác chiến lược xứng tầm, có khả năng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Tổng công ty trong quá trình phát triển, mở rộng thị trường, nâng cấp chất lượng, dịch vụ và quản trị doanh nghiệp.
Hiện mạng đường bay của Vietnam Airlines được kết nối tới 20 điểm nội địa, 29 điểm đến quốc tế, với tần suất khai thác cao và tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại TP.HCM và Hà Nội, tham gia khai thác các luồng khách lớn trong khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm trung chuyển lớn như Hongkong, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đang khai thác 66 chuyến bay mỗi tuần đến Nhật Bản, trong khi ANA chưa hợp tác với hãng hàng không nào để có đường bay tương tự.
“Mạng đường bay này sẽ phát huy lợi thế vốn có và phù hợp với mong muốn của một hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản”, một chuyên gia nói.
Được biết, ngoài vận tải hành khách, một lĩnh vực hàng không khác đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản là quản lý không lưu.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, phía Nhật Bản đang đề xuất thiết lập và vận hành một công ty có chức năng đặc biệt (SPC) nhằm thu thập, phân tích và cung cấp thông tin phục vụ quản lý luồng không lưu cho các doanh nghiệp liên quan. Công ty SPC sẽ là đơn vị liên doanh với 51% vốn của phía Việt Nam và 49% vốn Nhật Bản. Hiện mô hình này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét, cân nhắc triển khai.
Ông Võ Huy Cường cũng cho biết, việc đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I), trị giá 3,53 tỷ USD vẫn mở rộng cửa cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản - những người theo đuổi công trình ngay từ những ngày đầu tiên.
Thị trường sôi động
Theo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ các thỏa thuận hiện tại, các hãng hàng không 2 nước được phép khai thác không hạn chế giữa các điểm tại Việt Nam và các điểm tại Nhật Bản (trừ sân bay Haneda tại Tokyo). Hiện có 3 hãng hàng hàng không Nhật Bản là ANA, Japan Airlines và Vanilla Air khai thác 5 đường bay từ Tokyo (Narita và Haneda) đến 2 điểm tại Việt Nam (Hà Nội và TP.HCM), với tổng tần suất là 42 chuyến/chiều/tuần.
Trong khi đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác các chặng bay Việt Nam - Nhật Bản, nhưng với tần suất rất lớn. Tính đến cuối tháng 1/2017, Vietnam Airlines khai thác 10 đường bay từ 3 điểm tại Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến 4 điểm tại Nhật Bản là Tokyo (Haneda/Narita), Nagoya, Fukuoka và Osaka), với tổng tần suất lên tới 66 chuyến/chiều/tuần.
Năm 2016, tổng vận chuyển trên các đường bay giữa 2 nước đạt gần 2 triệu lượt khách, tăng 18,6% so với năm 2015, với hệ số sử dụng ghế trung bình khoảng 80%, trong đó riêng Vietnam Airlines vận chuyển được 1,28 triệu lượt khách, chiếm 66% thị phần, với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 82,2%.
Ông Võ Huy Cường cho biết, Vietjet Air và Jetstar Pacific đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp quyền vận chuyển khai thác các đường bay từ Hà Nội/Đà Nẵng tới Osaka trong năm 2017.
Hiện vướng mắc lớn nhất đối với các hãng hàng không Việt Nam là tải cung ứng được phép đến Haneda - điểm trung chuyển nội địa thuận lợi tại Nhật Bản vẫn bị hạn chế với tần suất 2 chuyến/ngày (1 chuyến ban ngày và 1 chuyến ban đêm).
Được biết, tại Đề án Mở đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn trọng điểm đến Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập vừa được trình Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất, đối với thị trường Nhật Bản, cần đưa sản phẩm vận chuyển hàng không trở thành một phần trong chuỗi sản phẩm du lịch.
“Ưu tiên hãng hàng không Việt Nam là nhà vận chuyển chính khi phát động các điểm du lịch mới cho khách Việt Nam tại Nhật Bản và cho khách Nhật Bản tại Việt Nam”, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất.
Anh Minh / baodautu