Việt Nam có cơ hội vàng thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ các quốc gia thành viên liên minh châu Âu khi Quốc hội vừa thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Cơ hội thu hút vốn FDI vào Việt Nam - Ảnh: TD
Tại buổi họp báo diễn ra ngày 8-6, đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho hay, sau 10 năm đàm phán Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA, hiệp định được cho sẽ tác động tới mọi mặt kinh tế. Những lợi ích từ hiệp định là rất lớn khi người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá thấp hơn trước đây; doanh nghiệp được tiếp cận thị trường xuất khẩu với sức tiêu thụ lớn, chất lượng cao; cả người lao động và doanh nghiệp Việt Nam được sống và làm việc trong môi trường lao động, môi trường kinh doanh tốt hơn.
Ngay khi hiệp định có hiệu lực (ngày 1-8), 71% hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng thuế 0%; và gần như toàn bộ hàng hóa từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế hoàn toàn 10 năm sau đó.
Trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, ông Pier Giorgio Aliberti cho rằng, nhờ EVFTA, tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm lần lượt 2,4% và 12%.
Một điểm được ông Pier Giorgio Aliberti đặc biệt nhấn mạnh là dòng vốn FDI chất lượng từ EU sẽ chảy vào Việt Nam khi thương mại giữa hai nước tăng lên.
“Đầu tư thường đến sau hoạt động thương mại”, ông Pier Giorgio Aliberti nói. “Khi chúng ta có hoạt động thương mại mạnh mẽ, những nhà đầu tư mới bắt đầu quan tâm. Họ cần phải biết nhiều hơn về Việt Nam, con người Việt Nam. Liệu nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt hay không? Sau đó họ mới cân nhắc tới đầu tư”.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào một thị trường đơn lẻ. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước trong khu vực trong việc thu hút vốn từ thị trường này.
Hiệp định EVFTA đến trong bối cảnh đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu, trong đó có EU, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp bớt hào hứng hơn với hiệp định vì Covid 19.
Song nhìn về dài hạn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ hội thu hút dòng vốn từ EU rất lớn. Trong khu vực, ngoài Singapore, chỉ duy nhất Việt Nam có FTA với khu vực này. Trong khi đó, Singapore chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp EU nếu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ nghĩ tới Việt Nam đầu tiên.
“Việt Nam chính là nơi sẽ bù đắp một phần công xưởng sản xuất của Trung Quốc trước đây. Dòng vốn này sẽ giúp Việt Nam phát triển tốt hơn trong quá trình công nghiệp hoá, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, chứ không chỉ làm gia công như trước kia", bà Lan nói.
Theo ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hội kỳ vọng lớn vào dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam hơn là xuất khẩu. Bởi hiện dòng thuế xuất khẩu gỗ nội thất sang EU đã khá thấp, việc miễn giảm thuế về 0% cũng tốt nhưng không tạo ra tác động lớn.
“Ngành gỗ mong muốn đón nhận dòng vốn từ EU trong lĩnh vực thiết kế, thương mại, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ", ông Tiến nói. “Đây là những lĩnh vực sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị cho toàn ngành gỗ Việt Nam".
Nhiều ngành khác cũng đang chờ nguồn vốn FDI từ EU để lấp đầy chuỗi giá trị đang còn trống tại thị trường trong nước.
Tuy vậy, ông Pier Giorgio Aliberti, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam EU (IPA), hiệp định giúp các nhà đầu tư EU yên tâm đổ vốn vào Việt Nam, vẫn chưa được phê chuẩn cùng với EVFTA mà phải chờ các quốc hội thành viên thông qua mới có thể đi vào thực thi.
Người đứng đầu phái đoàn liên minh EU tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, quyết định dịch chuyển đầu tư sang một quốc gia nào đó là quyết định phức tạp, dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, ưu đãi thuế chỉ là một phần, các doanh nghiệp EU sẽ đặc biệt quan tâm tới môi trường đầu tư, thủ tục hành chính minh bạch, khả năng thực thi và giải quyết tranh chấp, khả năng dự đoán chính sách.
Dù vậy, sau đại dịch Covid 19, cùng với việc quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định, Việt Nam đã có lợi thế hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN trong con mắt nhà đầu tư EU.