Liệu doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được cơ hội khi thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về thuê ngoài dịch vụ gia công phần mềm?
“Thị trường vàng” xuất khẩu phần mềm
Gần 100 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự “Ngày công nghệ thông tin Nhật Bản lần thứ 10” diễn ra tại Hà Nội vào giữa tuần này. Phần lớn trong số đó xuất hiện với mục tiêu tìm kiếm, hợp tác, đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm.
Số liệu từ Bộ Kinh tế Nhật Bản cho thấy, trung bình mỗi năm, Nhật Bản chi khoảng 30 tỷ USD cho phần mềm ứng dụng, thị trường nội dung số. Đặc biệt, thị trường tiềm năng này đang có xu hướng thuê ngoài các doanh nghiệp khối ASEAN thay vì Trung Quốc như trước.
Việt Nam hiện là đối tác lớn thứ 2 của Nhật về gia công phần mềm và dịch vụ
Năm 2005, FPT thành lập FPT Nhật Bản. Đây là công ty công nghệ thông tin (CNTT) 100% vốn Việt Nam đầu tiên được mở tại thị trường này. Trong giai đoạn 2005 - 2014, doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT tăng trưởng trung bình 32%/năm. Năm 2015, FPT đạt doanh thu gần 100 triệu USD. FPT đặt mục tiêu thị trường Nhật Bản sẽ đem về cho Công ty doanh thu 600 triệu USD vào năm 2020 và trở thành nhà cung cấp dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ điện toán đám mây hàng đầu tại Nhật Bản.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật về gia công phần mềm và dịch vụ, với 23% lượng đơn đặt hàng hải ngoại, trở thành đối tác được yêu thích nhất của Nhật. Đặc biệt, theo thông tin của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật Bản, là ngành có số lượng doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào nước này. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ giành được 1/4 khối lượng công việc mà doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản thuê doanh nghiệp nước ngoài sản xuất.
Nhận diện khả năng đáp ứng đơn hàng
Ông Tomokazu Hamaguchi, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) cho rằng, cơ hội tại thị trường Nhật Bản đối với các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều. Các công ty Nhật Bản đang muốn giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, Việt Nam là ứng cử viên số một.
“Hiện nay, các công ty lớn như Hitachi, Fujitsu, Tập đoàn NTT… đều đang thực hiện hoạt động thuê ngoài ở Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể tập hợp được nhiều kỹ sư biết tiếng Nhật và có chuyên môn nghiệp vụ tốt thì cơ hội tại thị trường Nhật là vô cùng nhiều”, ông Tomokazu Hamaguchi nói.
Tuy nhiên, ông Kozo Tanaka, một nhà đầu tư Nhật Bản nhận định: “Mặc dù tiềm năng hợp tác là rất lớn, nhưng không hẳn sẽ dẫn đến các giao dịch thực tế, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực phần mềm”.
Đồng quan điểm, bà Junko Kawauchi, Giám đốc một doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tuy được coi là đối tác yêu thích số một, nhưng về quy mô đơn hàng mới chỉ bằng 1/30 so với Trung Quốc. Đó là do số lượng kỹ sư Việt Nam có thể sử dụng tiếng Nhật ít hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam chưa có nhiều công ty quy mô lớn, nên rất khó để tiếp nhận được những đơn hàng từ Nhật Bản.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 200 công ty phần mềm quy mô từ 150 - 200 lao động, 10 công ty quy mô 1.000 người như FPT Software, FPT Information Systems, CMC, TMA, CSC, Tinh Vân, Microtec… đồng nghĩa với việc năng lực thực hiện các đơn hàng lớn hoặc loạt đơn hàng lớn rất khó có thể đáp ứng.
Bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch Gartner Nhật Bản, chuyên gia đã có trên 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về hợp tác CNTT Việt - Nhật đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh được đánh giá cao như: hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt và tuân theo quy chuẩn của quốc tế.
“Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy trì được 3 lợi thế cạnh tranh ở mức cao gồm: giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin”, bà Yuko Adachi nói và cho biết thêm, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Theo bà, nếu không nhanh chóng gia tăng cả chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, tăng quy mô hoạt động, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng với một thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản.
Hữu Tuấn / baodautu