Một số người vẫn gửi USD dù lãi suất 0% vì hàng năm đồng tiền này tăng vài phần trăm so với tiền đồng, và để dự phòng.
Có con trai định cư ở Mỹ, vợ chồng bà Hà - cán bộ hưu trí tại quận 6 TP HCM cho biết thường nhận được tiền USD của con gửi về. Trong hai năm qua, ông bà dành dụm được tổng cộng 20.000 USD và vẫn đang gửi ở ngân hàng.
Bà cho biết, nhiều lúc muốn đổi số USD này ra tiền Việt gửi ngân hàng lấy lãi suất cao hơn nhưng sau đó đắn đo nên lại thôi. Bởi theo bà, tuy gửi tiết kiệm USD không có lãi nhưng hàng năm đồng tiền này vẫn tăng vài phần trăm so với tiền đồng.
"Điều quan trọng hơn là chúng tôi muốn giữ USD để khi có dịp sang thăm con thì sẽ lấy ra dùng mà không phải mất công đến ngân hàng làm thủ tục mua", bà nói và giải thích thêm, mặc dù không có lãi suất song vẫn chọn gửi ngân hàng vì cảm thấy an toàn hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cũng cho hay, những năm qua, mặc dù lãi suất huy động USD hạ xuống 0% song vẫn có nhiều khách gửi tiết kiệm bằng USD.
Vì nhu cầu, một số người vẫn chọn gửi USD tại ngân hàng. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, tính đến cuối tháng 6 năm nay, huy động bằng ngoại tệ quy đổi tiền đồng đạt khoảng 218.518 tỷ, giảm 1% so với cuối năm ngoái. Riêng trong tháng 6, huy động ngoại tệ tăng 0,45% so với tháng trước. Về tín dụng, ông Minh cho biết, tín dụng ngoại tệ 6 tháng tăng hơn 11% đạt 153.815 tỷ đồng.
Ông Minh cho rằng, dù thời gian qua, lãi suất huy động USD về 0% nhưng lượng tiền gửi vẫn không bị biến động nhiều so với trước đây khi lãi suất ở mức 3-4% một năm. "Vấn đề không hẳn là lãi suất mà quan trọng là cơ chế chính sách để tăng giá trị tiền đồng", ông nói và cho biết, việc gửi USD của dân một phần còn do nhu cầu của họ muốn nắm giữ hay không.
Việc Nhà quản lý kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi USD 0% cũng góp phần giảm lượng USD găm giữ, người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển sang nắm giữ VND nhiều hơn. Đồng thời, lãi suất tiền gửi USD không hấp dẫn cũng sẽ tạo điều kiện để tiền gửi VND chảy vào ngân hàng, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng.
Tuy nhiên, gần đây tiếp tục nổi lên một số ý kiến lo ngại nguy cơ "chảy máu ngoại tệ" khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất huy động 0%. Bởi việc gửi USD tại các ngân hàng Việt Nam không được hưởng lãi suất đã và đang tạo chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất tiền gửi USD trong nước và quốc tế. Từ đó, nhiều người cho rằng có thể kích thích sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài.
Mới đây, báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản, chủ yếu là nhà, tại Mỹ càng khiến nhiều người đặt lại vấn đề tăng lãi suất huy động USD để hút vốn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự chuyển dịch không lớn và không tác động nhiều đến tỷ giá trên thị trường trong nước.
Hơn nữa, ông Hiếu khẳng định, chưa nên đặt ra vấn đề tăng lãi suất USD trong thời điểm hiện nay vì kinh tế vĩ mô đang ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và đạt được mục tiêu. "Sự thay đổi sẽ tác động đến nhiều yếu tố của chính sách tiền tệ và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều hành cần cân đối hài hòa các mục tiêu và hướng tới trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", ông nói.
Ngoài ra, nếu lãi suất gửi USD tăng sẽ tăng áp lực tăng lãi suất huy động tiền đồng. Hiện tại chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đang duy trì ở mức từ 5-7% tùy theo kỳ hạn. Vì vậy, nếu tăng lãi suất USD thì mức chênh lệch này sẽ co hẹp lại và có thể làm đảo ngược sự chuyển dịch vốn từ USD sang VND, và tăng tình trạng đầu cơ, găm giữ USD.
Các chuyên gia cho rằng, với trường hợp người dân có nhu cầu dùng USD cho việc đi chữa bệnh, du lịch hoặc gửi tiền cho con học tập ở nước ngoài... có thể tự cân nhắc việc trữ USD và nhờ ngân hàng giữ hộ cho an toàn. "Khi đó, người dân có thể chấp nhận mức sinh lợi thấp hơn gửi VND nhưng lại có nguồn ngoại tệ sẵn để dùng khi cần thiết mà không phải mất công đến ngân hàng làm thủ tục mua", vị chuyên gia ngân hàng chia sẻ.
Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng USD thì người dân nên đổi USD ra tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt hơn.
Chẳng hạn, với số tiền 20.000 USD của vợ chồng bà Hà, nếu gửi ngân hàng thì hiện nay, mức lãi suất tiết kiệm bằng USD là 0% một năm, đổ đồng từ kỳ hạn một tháng đến 60 tháng. Tỷ giá hiện nay dao động quanh 22.765 đồng, tức 20.000 USD tương đương 455.300.000 đồng.
Trường hợp gửi một năm thì tiền lãi bằng USD khi đáo hạn là 0 USD. Giả sử lúc đáo hạn tỷ giá tăng 2% lên mức mới là 23.220 đồng thì số tiền gốc 20.000 USD quy đổi ra tiền đồng mà khách hàng nhận được là 20.000 USD x 23.220 đồng = 464.400.000 đồng, tức tăng lên 9,1 triệu đồng.
Còn nếu bà đổi 20.000 USD ra tiền đồng tương đương khoảng 455.300.000 đồng (20.000 USD x 22.765 đồng) để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm, lãi suất của các ngân hàng dao động 7% mỗi năm. Khi đến hạn, số tiền lãi bà Hà nhận được vào khoảng 31,8 triệu đồng (455.300.000 x 7%/12 x 12). Như vậy, gửi tiền đồng thì mức lãi thu về sẽ cao hơn 3,5 lần so với gửi USD.
Lệ Chi / VnExpress