Theo hệ thống chỉ số giá tiêu dùng (Consumer price indexes - CPI) tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, giá dịch vụ y tế tháng 6-2016 tăng 35,14% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,02% so với tháng 12-2015; bình quân sáu tháng đầu năm 2016 tăng 23,12% so với cùng kỳ.
Người dân đang khám tại trạm y tế phường 10, quận 10 TPHCM. Ảnh: Hoàng Nhung.
Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 làm tăng giá dịch vụ y tế đối với người có bảo hiểm y tế (BHYT).
Cũng với nguyên nhân trên, trong hệ thống chỉ số giá sản xuất (Producer price indexes - PPI) do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội quí 2-2016 tăng 16,26% so với quí trước và tăng 27,08% so với quí 2-2015; bình quân trong sáu tháng đầu năm 2016 tăng 18,06% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này sử dụng để tính toán các chỉ tiêu của ngành y tế và hoạt động cứu trợ xã hội theo giá so sánh.
Đúng là Thông tư liên tịch số 37 đã quy định mức giá cụ thể của gần 1.900 loại dịch vụ kỹ thuật y tế tăng mạnh so mức giá trước đó theo lộ trình thực hiện: (1) Kể từ ngày 1-3-2016, mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù; (2) Kể từ ngày 1-7-2016, mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương.
Theo thông tin từ Bộ Y tế (trên báo An ninh thủ đô, 17-2-2016), việc tăng giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Mục đích của việc tăng giá là nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi người bệnh BHYT thông qua việc được hưởng chất lượng phục vụ cao hơn, chi từ tiền túi giảm hơn; đồng thời còn tạo động lực để ngành y tế tăng chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ, bệnh viện có cơ hội phát triển hơn khi tự chủ tài chính theo lộ trình từng bước tính đủ chi phí trong giá dịch vụ công đúng với chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Như vậy, việc áp dụng mức giá theo Thông tư liên tịch số 37 không phải là sự tăng giá dịch vụ y tế mà là sự tính đủ chi phí trong giá dịch vụ này. Theo đó, ngoài việc quỹ BHYT phải chi nhiều hơn (suy cho cùng cũng là tiền của dân do sự tăng lên của số người mua BHYT và mức phí BHYT), bản thân người dân cần khám chữa bệnh cũng phải bỏ ra khoản tiền nhiều hơn để gánh cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, bài viết này không bàn luận về chính sách BHYT và chủ trương tự chủ tài chính mà chỉ đề cập đến sự phù hợp của phương pháp thống kê giá.
Từ các nguồn thông tin và phân tích trên, mức tăng giá theo Thông tư liên tịch số 37 chỉ là sự tăng lên của các khoản chi từ quỹ BHYT và khoản cùng chi trả của người tham gia BHYT nhằm thay thế cho sự giảm dần khoản trợ cấp, trợ giá của Nhà nước đối với hoạt động y tế; hơn nữa, mức giá này còn bao gồm cả sự tăng lên của chất lượng phục vụ (bao gồm chất lượng dịch vụ và thái độ, phong cách phục vụ) nên không thể xem đó là sự tăng giá.
Cũng theo Bộ Y tế, bình quân của tất cả các dịch vụ theo mức giá thực hiện từ ngày 1-3-2016 sẽ tăng khoảng 30% và theo mức giá thực hiện từ ngày 1-7-2016 sẽ tăng khoảng 50% so với trước đó (theo phương pháp bình quân giản đơn). Dựa vào các mức giá này để tính toán như Tổng cục Thống kê đã làm thì PPI của dịch vụ y tế bình quân năm 2016 tương ứng cũng sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2015; có nghĩa là để duy trì khối lượng dịch vụ như năm 2015 với chất lượng không đổi thì chi phí bỏ ra (từ tất cả các nguồn: NSNN, quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả) cho hoạt động y tế năm 2016 phải gấp 1,4 lần, bất hợp lý so với nhận định của Bộ Y tế là không tăng chi phí. Với PPI đó, nếu toàn bộ kinh phí chi cho hoạt động y tế năm 2016 bằng với năm 2015 thì giá trị dịch vụ theo giá so sánh sẽ giảm khoảng 27%.
Cùng giả định là khối lượng và chất lượng dịch vụ không thay đổi như trên thì tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình sẽ tăng lên (cả khoản chi mua BHYT và khoản cùng chi trả cho khám chữa bệnh) tương ứng với chi tiêu công của Chính phủ giảm đi nhưng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng về dịch vụ y tế không đổi. Nếu sử dụng CPI dịch vụ y tế được thu thập, tính toán theo phương pháp trên để chuyển đổi về giá so sánh thì tổng cầu tiêu dùng cuối cùng về dịch vụ y tế năm 2016 thực tế giảm khoảng 30%; sai với giả định là cầu không đổi.
Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu cải tiến phương pháp thu thập, tính toán chỉ số giá dịch vụ y tế trong cả PPI và CPI cho phù hợp với mục đích sử dụng. Đối với giá một số dịch vụ công khác như: giáo dục, vệ sinh... cũng vậy; không thể lấy sự thay đổi mức giá, phí do Nhà nước quy định (thực chất là sự thay đổi chính sách đối với dịch vụ công mà người dân được hưởng hay nghĩa vụ đóng góp của người dân) mà phải đứng trên góc độ thị trường để nghiên cứu sự biến động giá sản xuất dịch vụ, trên cơ sở đó mới đánh giá đúng sự phát triển của các dịch vụ.
Thiện Ánh / thesaigontimes.vn