Mùa đại hội cổ đông năm nay chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc của các nhà đầu tư. Sau nhiều năm chờ đợi, cổ đông một số ngân hàng đã thấy "cuộc đời nở hoa" vì "Ơn giời! Cổ tức đây rồi." Nhưng cũng có những người "cuộc sống bế tắc" vì 5 năm liền không được nhận cổ tức hay liên miên nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)
Nơi "cuộc sống bế tắc..."
Đã có đến một nửa số tổ chức tín dụng tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhưng số các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn các tổ chức tín dụng chủ yếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, thậm chí có ngân hàng mấy năm liền không chia cổ tức khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Nhiều cổ đông chia sẻ “cực kỳ buồn” vì có ngân hàng mấy năm liền không có cổ tức, trong khi với tiền ấy nếu gửi tiết kiệm thì hoàn toàn có thể nhận được mức lãi tốt.
Năm thứ 5 liên tiếp Techcombank kiên định với chính sách không trả cổ tức. Theo tờ trình gửi cổ đông, lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến hết năm 2015 vẫn còn hơn 2.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị vẫn đề xuất không chia mà để dành phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Chính vì vậy, tại Đại hội của Techcombank, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với Hội đồng quản trị về việc vì sao ngân hàng vẫn làm ăn có lãi nhưng lại 5 năm liền không chia cổ tức?
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết mình cũng là một cổ đông và rất chia sẻ tâm tư này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cổ đông nên công bằng với ban điều hành trước quyết định không chia cổ tức, bởi họ đã lèo lái đưa ngân hàng vượt qua khó khăn và giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu trong năm 2015.
“Nếu không chia thì tôi cũng không được gì và những gì còn lại vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu chứ trong ngân hàng không ai rút một đồng nào của các cổ đông cả. Nếu chia xong mà khi niêm yết, cổ phiếu chỉ bán dưới giá 10.000 đồng thì có nên không,” ông Hồ Hùng Anh nói.
Người đứng đầu ngân hàng này cũng cho biết, năm 2017, cổ phiếu Techcombank sẽ lên sàn và tất cả những quyết định này là để giá trị cổ phiếu Techcombank ở mức tốt nhất và được thị trường công nhận mức giá đó. Trong năm 2016, Techcombank sẽ làm các thủ tục để niêm yết cổ phiếu theo các quy định hiện hành.
Còn tại Đại hội đồng cổ đông của PGBank diễn ra sáng nay (27/4), một cổ đông cho biết: "Tôi mua cổ phần của PGBank và theo dõi hoạt động ngân hàng trong 2014-2015 đều không chia cổ tức. Tôi trăn trở suy nghĩ 3 năm nay ngân hàng đều có lãi, không nhiều thì ít nhưng cổ đông vẫn không được nhận cổ tức. Hy vọng năm nay, ngân hàng sẽ chia cổ tức để động viên tinh thần cổ đông."
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank Bùi Ngọc Bảo cho hay, cũng như VietinBank, PGBank sẽ không chia cổ tức trước khi sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập giữa hai ngân hàng trừ khi chia cổ tức trước khi sáp nhập theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở sáp nhập, đảm bảo nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng sau sáp nhập.
Mặc dù vẫn nhận được cổ phiếu nhưng do mấy năm liền SHB không chia cổ tức bằng tiền mặt nên ngay đầu phiên thảo luận của Đại hội đồng cổ đông SHB, một nhà đầu tư đã chất vấn: “Năm 2015, ngân hàng chi trả cổ tức 7,5% bằng cổ phiếu thì chúng tôi đồng ý. Nhưng năm sau mà chi trả bằng cổ phiếu thì chúng tôi phản đối. Chúng tôi kiến nghị cổ tức năm 2016, Hội đồng quản trị phải chi trả bằng tiền mặt. Cứ nói cổ tức không ăn thì còn đấy nhưng để lâu lắm rồi.”
Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển trần tình: “Là cổ đông nên tôi hiểu, việc chia cổ tức bằng tiền mặt, tiền tươi thóc thật thì vui hơn. Nhưng để phát triển bền vững, mong cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu để giúp ngân hàng tăng vốn, tăng năng lực tài chính, tạo ra nền tảng phát triển.”
Ông Hiển cũng lý giải thêm, giá trị và hoạt động của SHB là bền vững. SHB là một trong số ít ngân hàng chia cổ tức cao hơn hoặc tương đương tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Với thế mạnh tiềm năng, các năm tới, cổ phiếu chắc chắn sẽ lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)
Một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là BIDV cũng không nhận được sự "thỏa mãn" của cổ đông về vấn đề cổ tức. Một cổ đông đặt câu hỏi, lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao so với nhiều ngân hàng mà họ còn chia 10% cổ tức. Vậy tại sao BIDV lại giảm xuống 8,5% mà lại trả bằng cổ phiếu, sao không trả bằng tiền mặt 9% rồi phát hành cổ phiếu sau?
Trả lời vấn đề này, Ban lãnh đạo BIDV cho rằng, việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phiếu BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phiếu chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.
Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9.400 tỷ trong năm nay sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng.
"Chúng tôi thấy 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ đóng góp với ngân hàng," lãnh đạo BIDV chia sẻ.
Ngoài ra, một số ngân hàng thì cho biết vẫn đang trình lên Ngân hàng Nhà nước phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
... "Nơi cuộc đời nở hoa"
Bên cạnh những ngân hàng khiến cổ đông bức xúc khi nhắc đến cổ tức, vẫn có nhiều ngân hàng đem lại niềm hân hoan cho cổ đông với tỷ lệ chia cổ tức hai con số.
Điển hình là cổ đông của Vietcombank đã được nhận cổ tức 10% bằng tiền mặt và 35% cổ phiếu thưởng để nhằm tăng vốn điều lệ lên 39.575 tỷ đồng.
Ngày mai (28/4), Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông với tờ trình dự kiến là các cổ đông sẽ được nhận 8,5% cổ tức bằng tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ 4.850 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng.
Như vậy, nếu được thông qua cho cả hai phương án, tổng mức cổ tức mà cổ đông của VIB nhận được cho năm 2015 sẽ là 25%, một mức khá ấn tượng so với các ngân hàng khác hiện nay. Năm ngoái, VIB cũng thực hiện chia 9% cổ tức tiền mặt và 14% cổ phiếu thưởng cho các cổ đông.
Tiếp đến là VPBank, năm 2015 ngân hàng này đạt 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trừ các khoản giảm lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 1.652 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% trên tổng mệnh giá cổ phần phổ thông.
Trong khi đó, cổ tức năm 2015 của ACB được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chia cho cổ đông là 10% bằng cổ phiếu.
Theo Thúy Hà / Vietnam+