Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới. Ảnh: ST. |
Dù đã đạt được thành tích tăng trưởng vượt bậc trong ba thập kỷ qua, tuy nhiên hiện nay ngành lúa gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiều rào cản thể chế dẫn tới lúa gạo Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước. Theo các chuyên gia, đã đến lúc Nhà nước cần thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ các rào cản thể chế trong các công đoạn chính của chuỗi giá trị lúa gạo.
Nhiều điểm nghẽn
Bên cạnh quy mô nhỏ, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn gặp khó khăn do mức độ phân mảnh ruộng đất cao. Chính sách chia đều ruộng đất cả về số lượng và chất lượng khiến mỗi hộ gia đình có vài mảnh ruộng ở các vị trí khác nhau. Xuất phát từ mục đích tốt đẹp về công bằng và chia sẻ rủi ro, chính sách này làm tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn cho cơ giới hóa nông nghiệp”. TS. Đặng Quang Vinh, CIEM |
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chuỗi giá trị của ngành lúa gạo Việt Nam đang tồn tại quá nhiều thách thức, trong đó có những hạn chế lớn đã kìm hãm sự phát triển và giá trị gia tăng của ngành lúa gạo. Hạn chế lớn nhất chính là quy mô sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam rất nhỏ, khiến khó cải thiện được năng suất và thu nhập của người nông dân mà nguyên nhân xuất phát từ chính sách về đất đai.
Theo CIEM, 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với nông nghiệp nói chung. Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, quy mô sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam không những rất nhỏ, lại còn rất phân tán, nên hiệu quả càng hạn chế. Con số mới nhất được Thủ tướng Chính phủ đề cập ở hội nghị lúa gạo tại An Giang ngày 15/3 vừa qua là hiện nay chúng ta có 14 triệu hộ nông dân canh tác trên 7,8 triệu mảnh đất.
Bên cạnh đó, theo TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sản xuất lúa gạo Việt Nam đang chú trọng về lượng, chưa chú trọng về chất, các nhà sản xuất lúa gạo cũng đang sử dụng quá nhiều loại giống khác nhau với chất lượng khác nhau. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, cường độ canh tác cao, từ 2 đến 3 vụ một năm, do đó nguy cơ suy thoái đất và ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Những hạn chế của chuỗi giá trị lúa gạo đã tác động lớn đến XK gạo của Việt Nam. Trong nhiều năm Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về XK gạo song năm 2016 vừa qua, XK gạo của Việt Nam đã giảm cả về khối lượng và giá trị với con số giảm tương ứng là 25,5% và 20,5%.
Theo ThS. NCS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Thủy lợi, một trong những nguyên nhân chính là những hạn chế trong chuỗi sản xuất, thu hoạch, chế biến và XK. Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều, chúng ta sử dụng quá nhiều giống lúa với chất lượng hạt khác biệt nhau dẫn đến không đồng nhất về chất lượng, không thể xác định nguồn gốc. Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa trong công đoạn thu hoạch còn thấp dẫn tới chất lượng gạo XK thấp, giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao. Quy trình ngược đi từ chế biến gạo XK dựa trên dự trữ gạo nguyên liệu, sau đó phối trộn, lau bóng, sấy và phân cấp theo hợp đồng XK cũng dẫn đến chất lượng gạo thấp, tỷ lệ hao hụt và hư hỏng cao.
Cũng theo các chuyên gia, sở dĩ ngành lúa gạo của Việt Nam sản xuất còn manh mún là do chúng ta chưa có thị trường đất đai cho nông nghiệp. Đây là 1 trong 5 thị trường quan trọng (như thị trường công nghệ, vốn…) nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Hiện nay dù quy định về chuyển nhượng, cho thuê đất nông nghiệp đã có nhưng trên thực tế còn thiếu dịch vụ hỗ trợ cũng như chính sách gắn liền với thị trường đất đai cho nông nghiệp nên gần như việc chuyển nhượng, cho thuê đất là rất khó khăn khiến cho việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn gặp nhiều trở ngại.
Trước những thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam, mới đây, tại Hội nghị về lúa gạo được tổ chức tại An Giang, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất để hạt gạo Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các DN làm lúa gạo.
Cần những thay đổi bước ngoặt
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ không đến nỗi kém cạnh tranh như bây giờ nếu thể chế cho chuỗi giá trị lúa gạo được thay đổi từ cách đây 10 năm. Nay đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, nhưng không phải chỉ là một vài thay đổi nho nhỏ mà phải là những thay đổi mang tính bước ngoặt. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để chuyển đổi ngành hàng lúa gạo, cần phải thay đổi thể chế về nhiều lĩnh vực liên quan, chứ không chỉ trong những lĩnh vực thuộc Bộ Nông nghiệp. Hiện nay đầu vào cho sản xuất lúa gạo, bao gồm cả về chính sách như chính sách đầu tư, chính sách NK vật tư nông nghiệp, chính sách khuyến nông, tổ chức mạng lưới cung ứng, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp…) trên thực tế đang gây thua thiệt lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam và nông dân, vì thế không thể không đổi mới mạnh.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất vẫn là thể chế trong quản lý đất đai, vì thế đây là điều cần phải thay đổi trước hết. Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm, bên cạnh đảm bảo quyền tài sản về ruộng đất cho nông dân thì Chính phủ nên thúc đẩy cho thuê ruộng đất. “Cái mà chúng ta cần để có diện tích trồng lúa lớn là cho thuê đất nông nghiệp, nhưng hiện nay DN muốn thuê đất thì phải đi hỏi từng nhà, chi phí giao dịch vì thế sẽ cao, sản xuất sẽ không hiệu quả, nguyên nhân là do chưa có sàn giao dịch đất nông nghiệp. Muốn thu hút DN thì nên thúc đẩy, khuyến khích cho thuê đất, đồng thời phải đảm bảo thời gian cho thuê để đảm bảo DN thu hồi vốn”, ông Đào Thế Anh kiến nghị.
Đối với chính sách đất đai cho trồng lúa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải bỏ chế độ hạn điền như hiện nay, kể cả quy định riêng cho từng vùng, bởi trên thực tế những vùng ít đất, mật độ dân cao lại đang có sự di dân quy mô ngày càng lớn.
Liên quan đến chính sách thương mại về lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xóa bỏ ngay những quy định tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, kéo lùi sự phát triển của XK gạo trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, có thể nói đây là chính sách tồi nhất về XK, với xu hướng ngược khi tăng quyền cho cơ quan quản lý và DN nhà nước để tăng sự chèn ép đối với DN tư nhân, DN nhỏ và vừa và nông dân, tự tạo thêm trở ngại cho XK lúa gạo của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh tăng lên trên thị trường quốc tế. “Thủ tướng đã kết luận rõ ràng về yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 và các điều kiện tham gia XK gạo cũng như xem lại và xóa bỏ những quyền không hợp lý của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) qua cuộc họp về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày 15/3 vừa qua, vì thế cần triển khai thực hiện ngay và triệt để những chỉ đạo này”, chuyên gia Phạm Chi Lan kiến nghị.
Liên quan vấn đề này, ông Đào Thế Anh cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là chúng ta phải chuyển từ cơ chế quản lý XK theo khối lượng là chính (như những quy định cứng về XK gạo trong Nghị định 109) sang tư duy quản lý theo chất lượng. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng lại tiêu chuẩn lúa gạo Việt Nam, vì tiêu chuẩn của hiện nay đã rất cũ, được xây dựng từ những năm 60-70 thế kỷ trước. Ngoài ra, DN nào đảm bảo được chất lượng, ký được hợp đồng XK thì cho phép XK, chất lượng do người mua quyết định. Không nên để tình trạng như một số DN sản xuất lúa hữu cơ ở Cà Mau, vì không có giấy phép XK phải nhờ quyền XK của DN khác để XK sản phẩm của mình.
Theo CIEM, nếu như trước đây khi Nghị định 109 chưa được ban hành cả nước có hơn 200 DN XK gạo thì hiện nay còn khoảng hơn 100 DN, mặc dù DN tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường. Do những bất cập trong Nghị định 109, hiện nay XK gạo tập trung chủ yếu vào các DNNN như Vinafood 1, Vinafood 2 và các DNNN cấp địa phương.
Theo Thu Hiền
Báo hải quan