Xăng dầu giảm giá, rau củ, thực phẩm nhiều loại giá cũng rẻ như cho, nhưng dịch vụ ăn uống lại chần chừ trong chuyện giảm giá. Cách làm chỉ đua tăng mà không chịu giảm khiến hàng quán nhiều nơi rơi vào cảnh ế ẩm.
Chỉ tăng, không giảm
Dịp cuối tuần, nhà có khách, chị Nguyễn Linh Giang ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) ra quán ăn ngay gần nhà đặt con gà nướng mật ong. Đến lúc thanh toán, chị giật mình vì câu nói của chủ hàng: “Tiền gà của em hết 245.000 đồng nhé” chứ không phải câu nói quen thuộc “Tiền gà của em hết 225.000 đồng”.
Thắc mắc vì tưởng mình nghe nhầm, chị Giang được chủ hàng giải thích là giá gà đang tăng nên phải điều chỉnh theo.
Gà là món khoái khẩu của gia đình chị Giang. Chị kể, gần như tuần nào chị cũng ra quán này đặt mua. Suốt mấy tháng qua, giá xăng dầu giảm còn một nửa, giá gà tại vườn nghe nói cũng giảm thê thảm mà hàng quán vẫn làm ngơ, nhất quyết không chịu giảm giá theo. Giờ giá gà mới nhích lên chút, họ lập tức viện cớ đẩy giá tăng kiếm lời.
Chỉ có thịt lợn tăng giá, còn các loại thực phẩm, rau củ khác giá đều giảm nhưng hàng cơm bình dân vẫn tăng giá mạnh
Theo chị Giang, khoảng nửa năm trở lại đây, chỉ có thịt lợn là tăng giá mạnh, còn phần lớn các loại rau củ, trái cây, thực phẩm khác giá đều giảm, thậm chí có thời điểm thịt gà, thịt vịt giá còn rẻ như rau ngoài chợ, nhưng dịch vụ ăn uống lại đua nhau tăng.
“Đi ăn cơm bình dân thì tăng thêm 5.000-10.000 đồng/suất, bát cháo trai tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng. Hay như bít tết giá cũng tăng từ 60.000 đồng lên 75.000 đồng/suất mà vẫn còn bị bớt 1 cái bánh mì”, chị ngán ngẩm nói.
Anh Lê Xuân Tiến - nhân viên một công ty sách tại Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) - cũng than thở, trước kia tiền ăn trưa của anh mỗi tháng hết dưới 1 triệu. Giờ bữa trưa chỉ ăn cơm bình dân thôi cũng ngốn khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Vào quán cơm bình dân thường chỉ 2-3 món được chế biến từ thịt lợn, còn lại là cá, vịt, gà, tôm, rau,... nhưng chủ hàng vẫn cào bằng tính giá 45.000 đồng/suất dù đĩa cơm của anh không có món nào liên quan đến thịt lợn, anh chia sẻ.
Vài tháng trở lại đây, giá gà, vịt, ngan,... chạm đáy song các quán bún, phở vẫn neo giá cao
Thực tế, theo ghi nhận của PV, vài tháng lại đây, khi thịt lợn tăng giá, các chủ hàng cơm bình dân, hàng bún chả, bún mọc,... lập tức điều chỉnh giá lên mức 35.000 - 50.000 đồng/suất tùy nơi. Thậm chí, có những món ăn không liên quan đến thịt lợn nhưng chủ hàng vẫn đua nhau tăng theo.
Trong khi đó, hàng bún ngan, phở gà,... lại neo giá cao, ở mức 35.000-40.000 đồng/bát tùy loại bất chấp giá gà, vịt tại chuồng suốt thời gian dài vừa qua giảm chạm đáy.
Ế khách vẫn phải giữ giá
Không còn cảnh khách xếp hàng từ đầu quán tới cuối quán chờ mua cơm trưa như trước, những ngày này quán cơm văn phòng của anh Trần Ngọc Tuấn ở Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá vắng vẻ. Thậm chí, vào giờ cao điểm, khách tới ăn cơm ngồi chưa kín 1/3 số bàn trong quán.
Anh Tuấn tâm sự, quán cơm văn phòng của anh khai trương đúng vào đầu hè năm ngoái, có trang bị điều hòa đầy đủ. Suốt cả mùa hè, ngày nào khách cũng xếp hàng chờ mua cơm trưa. Những ngày nắng nóng, chỉ đến sau 12h khách đã phải gọi mì tôm vì cơm “cháy hàng”.
Thế nhưng, từ sau đợt điều chỉnh giá cơm tăng thêm 5.000 đồng/suất vào cuối năm ngoái do giá thịt lợn tăng, quán cơm của anh dần thưa vắng khách.
Nhiều chủ hàng cho biết, dù ế ẩm nhưng vẫn khó giảm giá
“Đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, quán ế đã đành. Còn đợt này, trời nắng nóng như đổ lửa, quán trang bị điều hòa mát lạnh mà lượng khách vẫn cứ giảm dần đều. Buổi trưa tôi không bán nổi 100 suất cơm, trong khi hè năm ngoái số lượng bán ra khoảng 300-350 suất/ngày”, anh than thở.
Anh Tuấn thừa nhận, người dân đang thắt chặt chi tiêu sau Covid-19 nên quán rơi vào tình trạng ế ẩm. Song, dù có ế cũng rất khó để giảm giá cơm xuống thấp hơn vì giá thuê mặt bằng không giảm, giá nhân công lại tăng. Chưa kể, thời gian thực hiện giãn cách xã hội, quán đóng cửa mà vẫn phải chi trả đầy đủ tiền thuê nhà, lương nhân viên.
Tương tự, từ ngày tăng giá bún chả từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/suất, bún đậu mắm tôm tăng lên 40.000 đồng/suất thì quán ăn của chị Phan Thị Diệu Hiền ở phố Đại Từ bắt đầu đìu hiu, lượng khách giảm khoảng 60% so với năm ngoái.
Dù ế nhưng chị Hiền vẫn không thể giảm giá được vì giá thịt lợn đang quá cao, giá thuê nhà cũng không giảm. Thế nên, chị đang cân nhắc chuyện trả lại mặt bằng này, thuê nơi khác diện tích nhỏ hơn bởi cứ buôn bán thế này thì lỗ vốn.