Nhà đầu tư Thái đã, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam và sẽ không bỏ qua cơ hội tham gia đấu giá mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sắp tới.
Việc tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ TCC Holdings, thông qua công ty con đăng ký mua 51% vốn điều lệ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mấy ngày nay khiến thông tin về đại gia này cùng những thương vụ sáp nhập tại Việt Nam trước đây được tìm kiếm nhiều trên mạng.
Đánh nhanh thắng gọn
Lật lại quá khứ, TCC đã mua Metro Việt Nam (đổi tên thành MM Mega Market), thâu tóm thành công Tập đoàn Phú Thái ở miền Bắc, nắm giữ 19% cổ phiếu Vinamilk và đang sở hữu khối bất động sản đồ sộ tại Việt Nam.
Điều đáng nói là TCC không đơn độc trong cuộc đổ bộ vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) khác của Thái Lan cũng đang nhanh chóng xác lập, mở rộng sự hiện hữu tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).
Hệ thống phân phối Metro đã lọt vào tay doanh nhân Thái Ảnh: Tấn Thạnh |
Trong năm 2016, Central Group mua lại BigC, Singha hợp tác chiến lược với Masan, Siam City Cement sở hữu Holcim. Tập đoàn xi măng Siam (SCG) hiện có đến 23 công ty kinh doanh tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản trên 32.000 tỉ đồng và hơn 8.300 nhân viên. Những năm qua, SCG không ngừng rót vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án và thâu tóm nhiều DN hàng đầu trong nhiều lĩnh vực thông qua con đường M&A. Năm 2017, SCG mua 100% vốn Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) và được dự đoán sẽ thâu tóm nhựa Bình Minh sau khi DN này quyết định nới trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, sắp tới, DN gốc Thái rất quan tâm đến các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng nhanh, bất động sản đô thị - nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, dược phẩm và viễn thông... của Việt Nam. Những ngành này rất có thể là lĩnh vực mà các DN Thái sẽ bỏ vốn mạnh. Đặc biệt, nhà đầu tư Thái sẽ không chịu đứng ngoài cuộc khi các DN lớn như MobiFone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhà đầu tư Thái sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang đi theo con đường phát triển như Thái Lan trong vài thập niên trước, như tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Việt Nam có thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển tốt, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí sản xuất thấp, rất thích hợp để phát triển ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa cho cả khu vực ASEAN.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2017 mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh đến chiến lược đánh nhanh thắng gọn của người Thái. Theo đó, những DN Thái có lợi thế về vốn sẵn sàng trả giá cao để mua đứt DN Việt mà họ thấy có tiềm năng phát triển. Cách thức phổ biến của các nhà đầu tư Thái là nhắm vào DN lớn, chiếm thị phần đáng kể và sẵn sàng trả giá rất "hời" để mua bằng được. DN Việt không đủ nội lực để cạnh tranh đường dài, được trả giá cao thì "gật đầu" bán ngay.
Hệ lụy khó lường
Từ 4-5 năm trước, một số chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh báo nguy cơ cuộc đổ bộ đầu tư Thái, kéo theo đó là hàng Thái vào Việt Nam. Trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Chính phủ Thái đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN tìm hiểu, khai thác thị trường AEC mà điểm "nhấn" là Việt Nam.
Từ năm 2014-2015, người Thái đã có chiến lược rõ ràng về thị trường Việt. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu McKinsey năm 2014, có đến 52% DN Thái xác định cơ hội lớn nhất khi AEC hình thành là ở thị trường Việt Nam. Không chỉ đánh giá cao tiềm năng từ thị trường hơn 90 triệu dân mà các yếu tố về tốc độ tăng trưởng, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa gia tăng và dung lượng thị trường ở hầu hết lĩnh vực còn rất lớn so với Thái Lan, cộng với những tương đồng về văn hóa xã hội giữa 2 nước là những điều kiện tuyệt vời cho các nhà đầu tư Thái.
Trở lại vụ Sabeco, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng trong khi Sapporo phải mất ít nhất 3 năm và cả chục triệu USD mới xây dựng được hệ thống phân phối bia tại Việt Nam, nếu mua được Sabeco, tỉ phú người Thái mặc nhiên sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp của DN này.
"Trong kinh doanh, ai nắm được hệ thống bán lẻ, người đó thắng. Người Thái đã đi trước Việt Nam một bước. Thái Lan và Việt Nam khá tương đồng về mô hình kinh tế, văn hóa - xã hội, họ đầu tư vào Việt Nam với mong muốn qua đây để mở rộng ra thị trường thế giới. DN Việt có thể khai thác quan hệ 2 chiều, "tương kế tựu kế" với họ để cùng phát triển" - ông Quang phân tích.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ra rất lo ngại trước diễn biến người Thái thâm nhập ngày càng sâu thị trường Việt Nam. Theo ông, khi chiếm tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước được nhưng chắc chắn rất bất lợi cho DN Việt Nam. Kịch bản có thể dễ nhận thấy nhất là khi đã giữ quyền chi phối, DN Thái sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt.
"Người Thái từng tuyên bố họ muốn thay thế hàng Trung Quốc và hàng chất lượng thấp tại Việt Nam. Thực tế là nhập siêu từ Thái đã rất lớn (gần 4 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2017 - PV) và có xu hướng gia tăng" - ông Lê Đăng Doanh nhìn nhận.
Tận dụng lợi thế Việt Nam
Xếp sau Thái Lan, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia… cũng liên tục rót vốn và chọn M&A để tăng nhanh sở hữu DN Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực tăng trưởng tốt như tiêu dùng nhanh, thực phẩm, bất động sản…
TS Lê Đăng Doanh đánh giá ngoài sức hấp dẫn từ thị trường tiêu thụ nội địa, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với rất nhiều thị trường nên thông qua việc tăng đầu tư và hiện diện tại nước ta, DN nước ngoài sẽ tận dụng được xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu sang những thị trường này.
Theo Phương An (Người lao động)