Một trong những tâm điểm của những cơn sóng này là ở vùng ven TP.HCM và Phú Quốc.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10 vừa qua, tổng dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ. Bất động sản cũng luôn lọt top những lĩnh vực có vốn FDI đổ vào mạnh nhất. Lượng công ty bất động sản thành lập mới tăng nhanh, có những tháng hàng nghìn doanh nghiệp được khai sinh, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, thị trường cũng thu hút lượng lớn tiền của các nhà đầu tư cá nhân.
Khu vực phía Nam là nơi sóng bất động sản hoạt động mạnh nhất trong năm vừa qua với tình trạng sốt đất, tranh mua, tranh bán tái xuất.
Tại TP.HCM, cò đất hoạt động sôi nổi: từ các sàn giao dịch đến quán cà phê; từ người bán tạp hóa đến tài xế xe ôm... ai cũng thành cò. Ồ ạt các nền đất được san lấp làm hạ tầng, phân lô. Biển bán đất được giăng khắp nơi. Phòng công chứng lúc nào cũng tấp nập. TP.HCM đã có thời điểm giá đất vùng ven vượt đỉnh 10 năm qua.
Không chỉ vậy, tại huyện Long Thành, Đồng Nai, giá đất nền và đất vườn cũng tăng mạnh. Đất vườn bán sào lên tới hàng tỷ đồng.
Đảo Phú Quốc - đặc khu kinh tế tương lai, cũng trở thành tâm điểm của cơn sốt đất. Đi đâu người ta cũng nói chuyện đất đai; bước xuống sân bay đã có cò hỏi rao bán đất. Các quán cà phê không còn là nơi thư giãn mà trở thành nơi giao dịch, ngã giá đất. Giá đất tăng nóng từng ngày, có nơi tăng gấp 5 - 7 lần so với 3 năm trước.
Nếu thị trường bất động sản phát triển quá nóng thì sẽ xuất hiện sóng dữ. Đó là một thực tế bởi trong cơn sốt, người mua dễ bị cuốn theo hiệu ứng đám đông, không dành thời gian để kiểm tra tính pháp lý của các giao dịch. Lợi dụng ham muốn kiếm tiền nhiều, nhanh của không ít nhà đầu tư, nhiều hình thức lừa đảo đã tái xuất. Chỉ trong vòng 1 năm, không ít người đã phải nếm quả đắng.
Thái Bình / NCĐT