Sẽ có những tổ chức tín dụng được cho phá sản, sẽ diễn ra những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với sự tham gia của đối tác nước ngoài, sẽ có những ông chủ mới xuất hiện trong các nhà băng… Cơn sóng ngầm tái cơ cấu ngân hàng chưa có dấu hiệu ngừng và càng mạnh mẽ hơn trong năm 2017.
Phá sản đã được dọn đường
Đại án 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) được đưa ra xét xử phúc thẩm trong những ngày cuối năm đã khép lại một năm 2016 tưởng như “bể yên” nhưng không hề “sóng lặng” với hệ thống ngân hàng, khi công cuộc tái cơ cấu hệ thống vẫn được tiến hành quyết liệt từng ngày.
Điểm lại cả năm 2016, thị trường tiền tệ (tỷ giá, lãi suất) giữ được sự ổn định, song cuộc “đại phẫu” của các ngân hàng vẫn như sóng ở đáy sông. Dẫu không có thêm ngân hàng yếu nào được thực hiện M&A hay mua lại với giá 0 đồng, nhưng những cái tên mới đã xuất hiện trong danh sách ngân hàng yếu kém, như Eximbank, DongA Bank… Bên cạnh đó, cũng trong năm 2016, nhiều lãnh đạo ngân hàng (MHB, GPBank, DongA Bank) dính vòng lao lý, nhiều đại án ngân hàng được đem ra xét xử… Thực tế đó cho thấy, tái cơ cấu ngân hàng vẫn là một công cuộc hết sức khó khăn và nhiều mất mát.
Sóng ngầm tái cơ cấu vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn nổi mạnh hơn năm 2017. Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “bật đèn xanh” cho phá sản một tổ chức tín dụng. Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được Tòa án thụ lý và ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, thì đây sẽ là trường hợp phá sản tổ chức tín dụng đầu tiên theo Luật Phá sản năm 2014.
Việc phá sản một tổ chức tín dụng là công ty con trực thuộc ngân hàng sẽ “dọn đường” cho phá sản một ngân hàng trong tương lai. Đây cũng là một trong những giải pháp mới của công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020.
Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho hay: “Chính phủ đã đề xuất giải pháp mạnh hơn, là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino”.
Theo Phó thủ tướng, nếu làm được như vậy sẽ có tác dụng cảnh tỉnh rất lớn đối với các ông chủ nhà băng. “Cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo, thì ai chả muốn làm”, Phó thủ tướng nói.
Hiện tại, Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng. Giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh trọng tâm là xử lý nợ xấu, giải pháp phá sản ngân hàng sẽ là một trong những điểm mới mà Đề án đưa ra để tái cơ cấu triệt để hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020.
Vốn ngoại sẽ tham gia tái cơ cấu ngân hàng
Một điểm mới nữa của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 là sẽ có sự tham gia nhiều hơn của dòng vốn ngoại. Thông tin từ nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam.
Mới đây nhất, theo thông tin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF 2016) diễn ra tháng 12/2016, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam (bị mua lại với giá 0 đồng) và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu cùng các ngân hàng thương mại yếu kém.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước và cam kết tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những thông điệp trên của Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài là rất rõ ràng, chứng tỏ Chính phủ rất quyết tâm xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, mọi nhà đầu tư có năng lực tài chính và quản trị đều có cơ hội tham gia thị trường ngân hàng Việt Nam.
Thực tế, trong 2 năm qua, hàng loạt ngân hàng trong khu vực đã đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, để thiết lập một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, với các nhà đầu tư ngoại, việc bỏ ra 100 - 200 triệu USD để mua lại một ngân hàng trong nước vẫn là một mức giá có thể chấp nhận được.
Dĩ nhiên, việc mời gọi nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng không phải là điều đơn giản. Riêng trong năm 2016, chỉ duy nhất một ngân hàng trong nước gọi vốn ngoại thành công, đó là việc TPBank chào bán thành công gần 5% cổ phần cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Đây cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Hiện tại, Vietcombank cũng đang đàm phán bán 7,73% cổ phần cho Quỹ đầu tư GIC của Singapore, nhiều khả năng thương vụ sẽ diễn ra trong năm 2017.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc minh bạch về số liệu, ngân hàng còn phải có định hướng chiến lược và đem lại giá trị gia tăng cho nhà đầu tư nước ngoài”.
Rõ ràng, nhà đầu tư ngoại đang có xu hướng “chuộng” ngân hàng khỏe hơn là rót vốn mua lại ngân hàng yếu kém. Dĩ nhiên, tình hình có thể khác, nếu room sở hữu ngân hàng yếu kém được nới rộng hơn và giá cả dễ chịu hơn.
“Sở dĩ chưa thương vụ nào thành công là do giá quá cao và cổ phần hạn chế”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
“Sao đổi ngôi”
Cho đến nay, mục tiêu xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Thế nhưng, đã có những cái tên trở thành “hiện tượng”, chứng tỏ tái cơ cấu ngân hàng đang đi đúng hướng.
Cụ thể, trong số 9 tổ chức tín dụng phải tái cơ cấu bắt buộc trong năm 2011, TPBank đã có sự lột xác ngoạn mục từ một ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao trở thành một ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống và đã trở thành một “ngân hàng số” điển hình. So với thời điểm cuối năm 2012, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này đã gấp 6 lần, vốn điều lệ tăng gần gấp đôi. Năm 2016, TPBank cũng là ngân hàng duy nhất “lọt mắt xanh” nhà đầu tư ngoại.
Cũng nằm trong danh sách trên, Navibank, nay là NCB, đã tạo được dấu ấn riêng trên thị trường, dấu ấn về một ngân hàng nhỏ nhưng lành mạnh, không cung cấp dịch vụ dàn trải mà tập trung vào các sản phẩm chuyên biệt, các gói dịch vụ tài chính “may đo” cho từng đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, các chỉ số về sức khỏe tài chính của ngân hàng này tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là về huy động vốn, tín dụng, tổng tài sản, số lượng khách hàng…
TPBank và Navibank là điển hình cho thành công của những ngân hàng đã nghiêm túc tái cơ cấu, tìm được cho mình hướng đi riêng.
Ngoài các ngân hàng nhỏ, nhiều ông lớn cũng không đứng im. Việc VietinBank và Vietcombank được xếp vào Danh sách 500 ngân hàng hàng đầu thế giới cho thấy, các ngân hàng lớn cũng đang chuyển mình để vươn tầm cạnh tranh với khu vực.
Theo các chuyên gia ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng là một công việc thường xuyên, liên tục. Hiện tượng “sao đổi ngôi” như Eximbank từ ngân hàng lớn thành ngân hàng yếu kém, hay TPBank từ ngân hàng yếu thành ngân hàng số tiêu biểu nhất nhì hệ thống… sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Hà Tâm / baodautu