Một giải pháp mang tính thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến vay tiền đồng mà không màng vay đô la Mỹ là rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tín dụng tiền đồng và ngoại tệ hiện chưa được đề cập đến. Ảnh: Tuệ Doanh
Từ trước đến nay Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG-Hose) vẫn vay ngoại tệ của một số ngân hàng với lãi suất, như ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết là khoảng 3-3,5%/năm.
Do Hùng Vương xuất khẩu cá tra và tôm, nên luôn có nguồn thu ngoại tệ, trong khi công ty cần tiền đồng để thanh toán việc mua nguyên liệu trong nước hay trả chi phí nhân công. Việc vay ngoại tệ đã giúp doanh nghiệp này tiết kiệm không ít chi phí tài chính.
Tuy nhiên theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách vay là người cư trú, từ ngày 31-3-2016, Hùng Vương có thể không được vay đô la Mỹ để đổi ra tiền đồng nữa. Tất nhiên công ty vẫn có thể vay ngoại tệ để thanh toán các khoản nhập khẩu như nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn cho cá, tôm, gia súc.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ một nhóm đối tượng là những doanh nghiệp vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước với mục đích hưởng lãi suất thấp là không được vay nữa, còn các đối tượng khác vẫn được vay. Việc dừng cung cấp tín dụng ngoại tệ cho nhóm này sẽ góp phần chống đô la hóa, chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ.
Tất cả những giải pháp nâng cao vị thế đồng tiền Việt, ổn định tỷ giá, tiến tới trên lãnh thổ Việt Nam chỉ xài đồng nội tệ đều được thị trường cũng như dư luận xã hội ủng hộ. Vấn đề là những giải pháp đó có “nồng độ đậm đặc” đến đâu và áp dụng trong thời điểm nào để tránh gây áp lực lên thị trường tiền tệ.
Điểm “nóng” của tiền tệ hiện nay chính là mặt bằng lãi suất tiền đồng. Lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay chạy theo, giờ lại thêm một đối tượng doanh nghiệp chuyển qua vay tiền đồng thay vì vay ngoại tệ, không thể nói đây là yếu tố có tác dụng hạ lãi suất được.
Trong khi đó, một giải pháp mang tính thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến vay tiền đồng mà không màng vay đô la Mỹ là rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tín dụng tiền đồng và ngoại tệ lại không được đề cập đến.
Giả sử lãi suất vay tiền đồng là 5-6%/năm, vay ngoại tệ là 4%/năm, doanh nghiệp sẽ chọn vay đồng tiền nào? Chắc chắn nhiều doanh nghiệp chọn vay tiền đồng, vì chênh lệch 1-2%/năm lãi suất là chấp nhận được, lại yên tâm, không nơm nớp lo tỷ giá biến động. Đằng này, vay đô la Mỹ 3-3,5%/năm mà vay tiền đồng 7-9%/năm, chênh lệch 4-5%/năm, ai chẳng ham tìm kiếm nguồn vốn rẻ?
Cơ quan quản lý chẳng dại gì khuyến khích các TCTD nâng lãi suất tín dụng ngoại tệ. Lãi suất các ngoại tệ mạnh ở nước ngoài đang thấp, nếu đẩy lãi suất đô la Mỹ trong nước lên cộng với nỗ lực ổn định tỷ giá (tức nâng giá trị tiền Việt) chẳng khác nào tạo đường cho ngoại tệ chảy vào (carry trade), lúc ấy lại phải bơm tiền đồng ra mua ngoại tệ. Một cung tiền đồng dồi dào quá mức là tiền đề cho lạm phát quay trở lại. Chưa kể đồng tiền Việt cao giá sẽ gây tổn thương cho xuất khẩu, cho sự cạnh tranh của hàng Việt ngay trên chính sân nhà.
Không thể để các ngân hàng yếu kém là cái bẫy, niêm yết lãi suất tiết kiệm cao để thu hút người dân gửi tiền, dùng tiền ấy nuôi nợ xấu, cho đến khi cạn kiệt thanh khoản, không thể trả các khoản tiền gửi của khách hàng, thì NHNN mua lại với giá 0 đồng! |
Cách tốt nhất là hạ lãi suất tiền đồng. Phương thức này không những tốt cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, mà còn phù hợp với trào lưu lãi suất âm, phá giá đồng nội tệ của thế giới. Muốn thế, việc đầu tiên ngân hàng phải giảm lãi suất tiết kiệm nhưng điều này là bất khả thi ở thời điểm hiện tại (xem thêm bài Tiền đang chảy đi đâu? trên TBKTSG số 13-2016 ra ngày 24-3-2016).
Gỡ nút thắt lãi suất đòi hỏi tái cơ cấu các TCTD mạnh mẽ và dứt khoát, công khai thực trạng các ngân hàng yếu kém, các khoản nợ xấu, các khoản lãi cùng phí phải thu, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo quyết liệt thu hồi nợ. Nếu cần thiết, chỉ cho phép các ngân hàng yếu kém được huy động vốn ở một mức độ nhất định, không cho huy động vốn tràn lan như hiện nay. Không thể để các ngân hàng yếu kém là cái bẫy, niêm yết lãi suất tiết kiệm cao để thu hút người dân gửi tiền, dùng tiền ấy nuôi nợ xấu, cho đến khi cạn kiệt thanh khoản, không thể trả các khoản tiền gửi của khách hàng, thì NHNN mua lại với giá 0 đồng!
Việc chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ giống như trên đường đi phải vượt sông qua những cây cầu. Cây cầu đầu tiên giảm lãi suất tiền đồng chưa xây xong, thử hỏi làm sao đốt cháy giai đoạn tăng tốc chống đô la hóa? Quy định trên của Thông tư 24 sẽ tác động đến doanh nghiệp trong nước, chứ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chẳng chịu ảnh hưởng gì vì họ có khả năng vay ngoại tệ từ nước ngoài, từ công ty mẹ. Họ có nhiều kênh tiếp cận vốn giá rẻ trong khi doanh nghiệp thuần Việt chỉ có kênh ngân hàng nội hay thị trường chứng khoán, mà chứng khoán thì èo uột đã gần 10 năm. Doanh nghiệp FDI đang chiếm thế thượng phong trong xuất khẩu, họ xuất siêu, họ cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế vì giá thành sản phẩm của họ thấp nhờ chi phí tài chính (chủ yếu chi phí lãi vay) thấp hơn hẳn doanh nghiệp nội địa.
Xử lý nợ xấu để kiến tạo một mặt bằng lãi suất hợp lý, ở một góc độ khác, là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng có được lợi nhuận thực sự. Từ đây, họ mới có thể phát triển mạnh dịch vụ, hạn chế chạy đua tín dụng nhằm thu những đồng lãi nhiều khi là ảo (lãi dự thu). Nếu cái gốc nợ xấu không được đưa ra mổ xẻ, phẫu thuật để cứu bệnh nhân, mà lại tăng cường thuốc giảm đau, thì cả doanh nghiệp và ngân hàng sẽ tìm cách đối phó: doanh nghiệp làm sao không tăng chi phí lãi vay, ngân hàng làm thế nào để không mất khách hàng. Không biết sự tiên liệu của nhà điều hành về diễn biến thị trường tiền tệ trước các quy định mới có xem xét từ góc độ của doanh nghiệp, ngân hàng?
Hải Lý / thesaigontimes.vn