Chế biến tôm tại một nhà máy. Ảnh: TL.
Năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,12 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu tôm mang về 3,2 tỉ đô la. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm tin tưởng, con tôm sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỉ đô la trong tương lai. Mục tiêu này liệu có viễn vông?
Mục tiêu lớn
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Bình Thuận, người đầu tiên đưa ra ý tưởng con tôm sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỉ đô la cho rằng, so với các nước khác, Việt Nam có bờ biển dài, có vùng ĐBSCL thường xuyên bị xâm nhập mặn nên có thể nuôi tôm thuận lợi và dễ dàng mở rộng diện tích lên đến 2 triệu héc ta, tức là gấp gần 3 lần so với diện tích hiện tại.
Ông Hoàng Anh cũng nói thêm rằng, việc mở rộng diện tích phải đi liền với sự đồng bộ và quy hoạch thì con số 10 tỉ đô la từ xuất khẩu tôm không quá khó.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Cà Mau cũng tin tưởng là giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn còn có thể tăng trưởng trong tương lai bằng cách tăng năng suất nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2016, ĐBSCL diện tích tôm sú ước đạt 569.500 héc ta, sản lượng ước đạt 251.000 tấn, tương đương mức bình quân 440 kg/héc ta.
Ông Quang cho biết, trong thời gian tới, Minh Phú sẽ kết hợp với một số tỉnh có thế mạnh về con tôm để nuôi tôm sú quảng canh cải tiến nhằm nâng năng suất lên trên 1 tấn/héc ta, gấp hơn 2 lần hiện tại bằng cách áp dùng mô hình và kỹ thuật nuôi tôm của Ecurado.
“Chúng tôi có kế hoạch nuôi 200.000 héc ta tôm rừng theo mô hình Ecurado để đạt năng suất trên 1 tấn/héc ta. Lúc đó, có khoảng hơn 200.000 tấn tôm để chế biến”, ông Quang chia sẻ ý định của mình tại buổi gặp gỡ khách hàng năm 2016 vào tối Chủ nhật vừa qua (8-1) tại TPHCM.
Ông Quang nói thêm, mấy chục năm trong ngành tôm, ông thấy dù giá tôm có biến động như thế nào thì vẫn có 20% người tiêu dùng trung thành với sản phẩm tôm sú. Còn lại là tôm thẻ chân trắng. Chính vì thế giới ưa chuộng tôm thẻ chân trắng nên hầu như các nước có nuôi tôm đều chuyển sang nuôi loại tôm này. "Việt Nam là một trong những nước còn nuôi tôm sú theo hướng quảng canh, quảng canh cải tiến. Đây là lợi thế của Việt Nam", ông Quang nói.
Ông Quang cho biết, do giá tôm thẻ chân trắng chỉ ở mức 10 đô la/kg, trong khi tôm sú là 14-16 đô la/kg, nên nhiều người thích ăn tôm thẻ chân trắng hơn. Nhưng nếu giá tôm sú chỉ cao hơn tôm thẻ chân trắng 1-2 đô la thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang ăn tôm sú. Lúc đó, tỷ lệ người ăn tôm sú tăng lên 30-40%, thay vì 20% như hiện nay, là có thể tăng được giá trị xuất khẩu tôm sú.
Liệu có viễn vông?
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết dự kiến xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3,2 tỉ đô la, trong khi năm 2014 là 3,9 tỉ đô la.
Ông Hòe từ chối bình luận về con số 10 tỉ đô la mà các doanh nghiệp thủy sản đang hướng đến. Theo ông, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới ít có sự tăng trưởng đột biến, vì thế, sẽ rất khó để cho Việt Nam tăng mạnh số lượng xuất khẩu.
Một vấn đề nữa, theo ông Hòe là tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecurado… chứ không phải một mình một chợ nên làm ra được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu.
Ông cũng dẫn chứng, năm 2015, do giá tôm nguyên liệu trong nước luôn cao hơn tôm Ấn Độ 1-2 đô la/kg, do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam gặp khó khăn về thị trường.
Ông Hòe cho biết, như năm 2014, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 8 tỉ đô la, trong đó con tôm mang về 3,9 tỉ đô la nhưng năm 2016 chỉ còn 7,12 tỉ đô la, trong đó giá trị xuất khẩu tôm là 3,2 tỉ đô la. Như vậy mới thấy, năm nay xuất khẩu mang về giá trị lớn, năm sau chưa chắc đã làm được vì nhu cầu thị trường luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Ngọc Hùng / TBKTSG