Công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam 5 năm qua tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó toán học giữ vị trí cao so với khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2011-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010 với tốc độ tăng bình quân 19,5%, đạt mức cao so với mục tiêu.
Trong đó, Toán học, vật lý và hóa học là những lĩnh vực có thế mạnh, chiếm tới 40% tổng công bố quốc tế. Riêng toán học, Việt Nam có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Số lượng công bố quốc tế có tác giả Việt Nam giai đoạn 2011-2015. |
So với các nước trên thế giới, tổng công bố quốc tế của Việt Nam xếp thứ 59 (năm 2006-2010 xếp thứ 66 và 2001-2005 xếp thứ 73) và thứ tư của Đông Nam Á, sau Singapore (32), Malaysia (38) và Thái Lan (43).
Theo đại diện Bộ Khoa học, một trong những lý do làm tăng lượng công bố quốc tế của Việt Nam xuất phát từ việc tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (NAFOSTED).
Quỹ này áp dụng cơ chế tài trợ các dự án nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, chú trọng sản phẩm đầu ra (số lượng bài báo, công trình quốc tế), minh bạch hóa quy trình xét chọn, tuyển chọn nhiệm vụ.
Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam và một số quốc gia giai đoạn 2011-2015. Nguồn: Web of Science. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phần lớn công bố quốc tế xuất phát từ Việt Nam đều là bài báo, công trình đứng chung tên với tác giả nước ngoài, chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới.
Về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam 5 năm qua tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đạt được mục tiêu, nhưng số lượng đơn do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký còn ít, với chỉ khoảng 20% tổng số đơn đăng ký.
Một số lĩnh vực điển hình như dược - mỹ phẩm, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế của chủ đơn nước ngoài chiếm tuyệt đại đa số, trong đó chủ yếu là từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Anh. Số đơn sáng chế bảo hộ quốc tế có nguồn gốc Việt Nam còn rất thấp.
(Theo Phạm Hương / VnExpress)