Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính chưa được khắc phục.
Ảnh minh họa. |
Nhiều doanh nghiệp làm ăn bết bát, thua lỗ lớn
Trong báo cáo kết quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2016 đã kiểm toán báo cáo cáo tài chính của 170 doanh nghiệp thuộc 28 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, có 24/28 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước được kiểm toán đã kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của VNPT đạt 5.970,41 tỷ đồng; Petrolimex 3.438,53 tỷ đồng; Satra 2.719,30 tỷ đồng; Vicem 2.341,82 tỷ đồng; VRG 2.040,18 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai 1.189,62 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội 483,37 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 469,27 tỷ đồng; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam 432,89 tỷ đồng; Cấp nước Sài Gòn 267,98 tỷ đồng; Xăng dầu Quân đội - BQP 265 tỷ đồng; UDIC 244,82 tỷ đồng...
Trong đó lợi nhuận của nhiều đơn vị tăng cao so với năm 2014 như Tổng công ty Xăng dầu quân đội - BQP tăng 69,9%; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 67,1%; LILAMA 43,2%; Vicem 99,2%; Handico 143,79%; Samco 39,99%; Satra 29,9%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo cơ quan kiểm toán, hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng còn những hạn chế.
Trong đó, hiệu quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty, giảm sút so với năm 2014. Nhiều doanh nghiệp trực thuộc thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2015 của Vicem trong đó Vicem Tam Điệp 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng; VRG (Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su 317,9 tỷ đồng); VNPT (Công ty Cổ phần Vật liệu Bưu điện Việt Nam 53,28 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC 26,86 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thiết bị viễn thông - TELEQ 22,49 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật viễn thông 16,65 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cáp quang FOCAL 13,15 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cáp quang Việt Nam 13,62 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển công trình viễn thông 8,18 tỷ đồng; Công ty CP Bất động sản Bưu chính Viễn thông 6,35 tỷ đồng; Công ty CP Vật liệu xây dựng Bưu điện Việt Nam 6,11 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Du lịch trực tuyến 4,52 tỷ đồng); Handico (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 68 là 52,30 tỷ đồng); Lilama (Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng 94,30 tỷ đồng).
Nợ cao gấp 57 lần vốn chủ sở hữu
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết nhiều doanh nghiệp trong tình trạng có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính chưa được khắc phục.
Như trường hợp Vicem Tam Điệp cao hơn 57 lần; Tổng công ty 319 - BQP (Công ty TNHH MTV 319.5 là 38,54 lần; Công ty TNHH MTV 319.2 là 26,27 lần; Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc 26,48 lần; Công ty TNHH MTV 319.1 là 15,08 lần; Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung 14,08 lần); Tổng công ty Xăng dầu Quân đội - BQP 17,13 lần; Vietnam Airlines (Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam 6,83 lần; Công ty mẹ 5,75 lần; Công ty Cổ phần Cung ứng Xuất nhập khẩu lao động Hàng không 4,05 lần); Becamex (Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương 5,15 lần).
Một số đơn vị chưa được góp đủ vốn điều lệ trong khi đó một số đơn vị lại có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.
Cụ thể, VNPT (Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông - VNPT Vinaphone thiếu 2.473 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền thông thiếu 1.594 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông thiếu 187,5 tỷ đồng); Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Công ty mẹ thiếu 256,98 tỷ đồng); Tổng công ty 319-BQP (Công ty TNHH MTV 319.3 thiếu 130 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 thiếu 41,30 tỷ đồng); Tổng công ty Xăng dầu Quân đội - BQP thiếu 91,16 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết một số đơn vị hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, tiền gửi rủi ro cao, chậm được thu hồi; chậm thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không phù hợp với Điều 21, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp không phù hợp với Điều 189, Luật doanh nghiệp 2014.
N.Mạnh / BizLIVE