Sau khi Thủ tướng ký Quyết định 648 phê duyệt mạng lưới sân bay toàn quốc đến năm 2050, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị công khai các nội dung trong quy hoạch này.
Sáng 14/7, Bộ GTVT tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, đánh giá quy hoạch lĩnh vực hàng không là quy hoạch hoàn thành sau cùng. Trước đó, 4 quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng hải đều đã được Bộ GTVT hoàn thành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn giao nhiệm vụ thực hiện quy hoạch cho Cục Hàng không và các đơn vị liên quan (Ảnh: Ngọc Tân).
Ông Lê Anh Tuấn đề nghị Cục Hàng không hàng năm phải rà soát lại quy hoạch. Nếu có sự phát sinh, nhu cầu mới, nếu các địa phương đặt câu hỏi "sao chúng tôi không có sân bay", thì phải xem xét, báo cáo lại Chính phủ.
Bên cạnh đó, một số sân bay có hạ tầng rồi nhưng đó mới là hạ tầng của Bộ Quốc phòng, xây trên đất quốc phòng... nhiệm vụ của Bộ GTVT là phải làm cách nào để khai thác được cả hàng không dân dụng tại các sân bay này.
"Bộ GTVT xác định việc hoàn thành nhiệm vụ tại quy hoạch hàng không là rất lớn. Tôi mong rằng lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với các cơ quan của Bộ GTVT để triển khai quy hoạch này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Quy hoạch 33 sân bay toàn quốc đến năm 2050.
Đánh giá về nguyên nhân phải xây dựng quy hoạch mới, đại diện Tư vấn lập quy hoạch cho biết công tác quy hoạch sân bay giai đoạn trước còn yếu, thiếu tầm nhìn. Thời điểm lập quy hoạch chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc triển khai quy hoạch hiện hành cũng chậm. Việc đầu tư đường sắt đô thị kết nối các sân bay chưa làm được, dẫn đến ùn tắc như tại sân bay Tân Sơn Nhất. Việc huy động nguồn lực đầu tư sân bay còn hạn chế. Hầu hết đất ở sân bay là đất quốc phòng. Thủ tục chuyển đổi đất quốc phòng phức tạp.
Mất hơn 3 năm để ban hành quy hoạch sân bay toàn quốc.
Quá trình xây dựng quy hoạch mới, Tư vấn lập quy hoạch đã xây dựng bộ tiêu chí mới về sự cần thiết và mức độ khả thi để quy hoạch sân bay tại từng tỉnh thành, phù hợp các điều kiện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
"Hiện, 93% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km. Quy hoạch mới sẽ nâng tỷ lệ này lên 97%", đại diện Tư vấn khẳng định.
Một điểm đáng chú ý trong quy hoạch là tính "mở", không cố định số lượng sân bay; có cơ chế chuyển sân bay quốc nội thành quốc tế, khai thác các sân bay quốc tế không thường lệ. Khi các hãng bay có nhu cầu bay thường lệ, có thể báo cáo xin chuyển sân bay từ quốc nội thành quốc tế.
Danh sách sân bay theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050:
Thời kỳ 2021-2030: cả nước sẽ hình thành 30 sân bay gồm 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 16 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).
Tầm nhìn đến năm 2050: hình thành 33 sân bay gồm 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và sân bay thứ 2 phía đông nam, nam Hà Nội).
Bộ GTVT khẳng định số lượng sân bay được quy hoạch như trên sẽ đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước phát triển (Mỹ là 96,27%, Pháp là 98%, Nhật Bản 99%, Hàn Quốc 100%, Trung Quốc 73,37%, Thái Lan 88%...).