Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào sản xuất (áp dụng từ năm 1997), trong những năm qua, Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (HPC) đã không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và nhanh chóng trở thành đối tác chính thức cho nhiều hãng sản xuất điện tử - ôtô, xe máy, viễn thông của nước ngoài tại Việt Nam.
Hệ thống kho hàng được sắp xếp ngăn nắp
Là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực của thủ đô, HPC chủ yếu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp với các sản phẩm: Phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện – điện tử, viễn thông và khuôn mẫu phục vụ ngành nhựa, cung cấp cho các công ty: Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Piaggio Việt Nam… và các khách hàng Nhật Bản trong nước; xuất khẩu cho các tập đoàn Nhật Bản như Tostem, Hitachi Housetec, Shoden, Panasonic… Bằng sản phẩm chất lượng, công nghệ sản xuất hiện đại, HPC đã tạo lập vị thế uy tín cao trên thị trường, với 80% doanh số của HPC là từ sự hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Bên cạnh đó, do chất lượng tốt, đạt độ chính xác cao, cả với những khuôn có kết cấu phức tạp nên hầu hết các khuôn mẫu do HPC chế tạo đã được các hãng lắp ráp FDI tại Việt Nam mua bản quyền. Có thể nói, HPC đã xuất khẩu tại chỗ về khuôn mẫu, góp phần giảm nhập siêu quốc gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Quốc Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị HPC - nhấn mạnh: Xác định chất lượng là yếu tố then chốt và quyết định để công ty có thể đứng vững trên thị trường, bên cạnh áp dụng các công cụ quản lý vào sản xuất như ISO 9001:2008, 5S, 4M (của Hàn Quốc), ISO 14001:2004..., trong những năm qua HPC cũng mạnh dạn đầu tư, không ngừng đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất. Đặc biệt từ năm 2015 đến tháng 6/2016, HPC đã đầu tư gần 115 tỷ đồng cho trang thiết bị máy móc hiện đại nhập khẩu từ Nhật để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Đặc biệt để nâng cao năng suất lao động, công ty đã đưa mô hình 5S vào quản lý và sản xuất. Toàn bộ khu vực sản xuất, kho hàng đều được sắp xếp gọn gàng theo vạch kẻ, các vị trí nguyên vật liệu đều được đánh tên/mã hàng và được để trong các khay/kệ. Tại các dây chuyền sản xuất, đều có bảng ghi các số liệu theo dõi năng suất lao động, tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, sản phẩm đạt yêu cầu... Từ đó hàng tuần, hàng tháng, Ban kiểm soát 5S của công ty sẽ đánh giá từng bộ phận sản xuất và thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất công tác thực hiện 5S.
Theo thủ kho Nguyễn Duy Khanh, 5S giúp tạo ra môi trường làm việc thuận tiện, ngăn nắp, giúp giảm thiểu các chi phí hoạt động cũng như nâng cao an toàn sản xuất và phòng ngừa các rủi ro một cách chủ động.
Ông Phạm Quốc Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị HPC: Cùng với giải pháp đổi mới công nghệ, việc áp dụng các công cụ quản lý vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động của HPC từ 10-20%, mức độ hoàn thành kế hoạch được nâng lên từ 90% (năm 2015 ) lên 93% (6 tháng đầu năm 2016), đồng thời chi phí sản xuất, kinh doanh được tiết giảm, điều này đã giúp HPC nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. |