Có lẽ đối với nhiều người trong ngành giống, cái tên Cường Tân không còn xa lạ. Đây chính là doanh nghiệp đã mạnh dạn mua lại bản quyền giống lúa TH3-3 với giá 10 tỷ đồng từ năm 2008 để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Sau 15 năm vật lộn với đồng áng cùng bà con nông dân và được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền trong tỉnh, trong huyện, đặc biệt là “bà đỡ” ngân hàng, Công ty TNHH Cường Tân đã vượt lên trên tất cả những nhọc nhằn, khó khăn để làm cuộc cách mạng “đổi mới tư duy” trên cánh đồng lớn, góp phần to lớn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng giá trị cho cây lúa trong nền nông nghiệp Việt Nam.
Công ty TNHH Cường Tân bắt đầu tập trung sản xuất, kinh doanh và phát triển lúa lai từ năm 1997. Tháng 5/2008, Công ty đã thành công trong việc mua lại bản quyền sản xuất giống lúa lai 2 dòng TH3-3 từ Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với trị giá 10 tỷ đồng. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hoạt động của Công ty. Đến nay, sau hơn 10 năm mua bản quyền giống lúa lai TH3-3 vẫn là sản phẩm đầu tàu được ưa chuộng, mang lại lợi ích kinh tế cho Công ty.
Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân cho biết: “việc sở hữu được giống lúa lai trị giá 10 tỷ đồng này thực sự là sự kiên trì rất lớn đối với tôi”. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm, kể từ khi chính thức mua được bản quyền giống lúa lai TH3-3, Công ty đã tiếp tục mua thêm nhiều giống mới khác do các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu ra như: Lúa lai TH3-7, TH7-2; TH6-6 (Lai thơm 6); Các giống lúa thuần: Hương cốm 1, Hương cốm 4, Hồng Đức 9, M1-NĐ, ĐH12, CS6-NĐ, ĐB5, Thiên Trường 800 và một số giống ngô: VNUA69, VNUA16... Đây đều là những giống cây trồng được đánh giá tốt, có giá trị kinh tế cao, rất được thị trường đón nhận. Đến nay, Công ty TNHH Cường Tân là một trong những đơn vị hàng đầu trong toàn tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung về các giống lúa lai.
Ngoài đầu tư mua bản quyền sản xuất lúa lai, Công ty cũng đã kết hợp với một số đơn vị sản xuất giống của các địa phương khác như: Trung tâm giống cây trồng (Yên Bái), Trại giống Đồng Thắm (Tuyên Quang), Trại giống Thường Tín (Hà Nội), Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam,… để đẩy mạnh sản xuất và phát triển giống rộng khắp ra các tỉnh thành trên cả nước. Bà con nông dân có thể tìm và dễ dàng mua giống lúa TH3-3, TH6-6 (Lai thơm 6) và các giống lúa chất lượng cao khác tại địa chỉ Công ty TNHH Cường Tân – Cụm công nghiệp Trực Hùng – Trực Ninh – Nam Định và tại các đại lý của Công ty trên 37 tỉnh thành trong cả nước từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và miền núi phía Bắc.
Không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu về các giống lúa lai, Công ty TNHH Cường Tân đang tiến tới từ sản xuất giống sang sản xuất lúa thương phẩm để chế biến gạo an toàn nhằm khẳng định chuẩn quy trình sản xuất khép kín lúa gạo. Công ty đã làm giàu từ cây lúa nhờ liên kết năm nhà: “Nhà nước - nhà khoa học - nhà băng - nhà doanh nghiệp - nhà nông”. Công ty đã đầu tư và tổ chức sản xuất hạt giống lai F1 theo hình thức tổ chức sản xuất mới: Công ty thuê gom tích tụ ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng thành các cánh đồng mẫu lớn, sau đó giao lại cho các hộ nông dân có năng lực và kinh nghiệm trực tiếp thực hiện sản xuất. Công ty cung cấp giống, chỉ đạo quy trình sản xuất, thu hoạch và thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm để sơ chế, phân loại, bảo quản, đóng gói và cung ứng ra thị trường. Với hình thức thuê khoán lao động tại chỗ, Công ty góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, hình thành các: "làng nghề sản xuất hạt lai F1". Công ty cũng liên kết với một số hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất giống lúa khác trong và ngoài tỉnh để mở rộng quy mô diện tích sản xuất từ 400-500 ha/năm theo hình thức đầu tư ứng trước vật tư kỹ thuật. Công ty TNHH Cường Tân cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm các hộ nông dân cùng liên kết sản xuất.
Năm 2014, Cường Tân đã may mắn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước duyệt triển khai mô hình dự án 70 tỷ đồng với lãi suất 0,6%/tháng. Mặc dù mới chỉ tiếp cận được 50% vốn vay của dự án, nhưng số vốn này đã giúp Công ty đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc trang thiết bị để phục vụ sản xuất trên cánh đồng lớn. Theo đó, Công ty đã xây dựng được hệ thống kho lạnh bảo quản giống, máy gặt, giàn sấy lúa vỉ ngang không trở mẻ bán tự động với công suất sấy 600 tấn lúa/ngày. Công ty còn ứng vốn hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân mua máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, xe vận chuyển… nên đã cơ giới hóa được các khâu phòng trừ sâu bệnh, làm đất, thu hoạch, phơi sấy…
Việc giải phóng sức lao động nặng nhọc đã giúp cho các hộ nông dân có thể nhận quản lý, sản xuất ở những cánh đồng lúa có diện tích lớn từ 5-7 ha mà không còn khó khăn nữa. Đến nay, Cường Tân đã thuê tổng cộng diện tích gần 600 ha ở các huyện phía Nam tỉnh Nam Định, vùng nhỏ nhất là 20 ha, lớn nhất là 70 ha. Nhiều vùng trước đây cỏ mọc xen lúa thì nay là những cánh đồng tít tắp một màu xanh của ruộng sản xuất hạt lai F1 với năng suất trung bình 25-30 tạ/ha, năm thuận lợi có thể đạt 30-35 tạ/ha.Từ sự liên kết ổn định, bền vững, Cường Tân có thể tập trung được nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao để cạnh tranh xuất khẩu.
Giám đốc Đoàn Văn Sáu cởi mở chia sẻ về những thành công của Công ty: Thành công ban đầu này là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, bên cạnh đó là sự tâm huyết của các nhà nghiên cứu trong ngành nông nghiệp, đã chuyển giao tiến bộ khoa học rất chi tiết, cụ thể và hướng dẫn rất tỉ mỉ, sát với thực tiễn sản xuất. Chính nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam... và nhiều đơn vị khác ở địa phương đã góp phần mang lại thành công hôm nay của Cường Tân.
Trong thời gian tới, Cường Tân rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, ngân hàng và các cấp chính quyền trong tỉnh Nam Định; đồng thời mong muốn hợp tác chuyển giao những ứng dụng công nghệ mới hướng tới sản xuất chế biến nông sản sạch (hữu cơ), chất lượng cao, củng cố thị trường nội địa, giành lại thị phần trong nước, kết hợp mở rộng hợp tác với các tổ chức nước ngoài liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.