Đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục khi hàng triệu học sinh phải nghỉ học kéo dài. Song, nếu xét về khía cạnh tích cực thì cũng có những thử thách mang tính cơ hội trước thềm đổi mới.
Dạy học trực tuyến là lựa chọn hàng đầu trong đại dịch Covid-19 kéo dài.
Trong 3 tháng qua, gần 22 triệu học sinh phổ thông khắp đất nước ta đã phải nghỉ học ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội phòng tránh đại dịch Covid-19.
Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục vẫn luôn tìm mọi cách để mang bài giảng đến với học sinh, tuyệt đối không để học sinh mất bài hay rỗi rãi để rồi "nhàn cư vi bất thiện".
Dạy học trực tuyến đang là lựa chọn hàng đầu trong đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp. Hầu hết giáo viên các trường phổ thông đều tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh qua các ứng dụng video conferencing như Microsoft Teams, Zoom, Webinar, Google Meet, Zalo, Viber...
Như vậy, dạy học trực tuyến đã tạo ra những thử thách mang tính cơ hội cho nhà trường, giáo viên trước thềm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (gọi tắt là Nghị quyết 29).
Nhà trường: tự chủ về kế hoạch, chương trình giáo dục
Việc thực hiện tự chủ ở giáo dục phổ thông được bắt đầu từ năm 2006 theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 16/2015/NĐ-CP về Quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, để thực hiện tự chủ, nhà trường cần triển khai đồng bộ ở ba khâu: tự chủ về chuyên môn, tự chủ về nhân sự và tự chủ về tài chính, trong đó tự chủ về chuyên môn mang tính then chốt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà trường tự chủ trong xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, với văn hóa vùng, miền.
Tuy nhiên đến nay, việc tự chủ kế hoạch, chương trình dạy học ở các trường công lập chưa được thực hiện hiệu quả như mong muốn.
Nguyên nhân chính, theo nhiều người, là hệ thống giáo dục phổ thông đang được vận hành theo một tư duy cũ, cả nước sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.
Nhưng trong đại dịch Covid-19, mọi thứ đã khác. Nhà trường bắt buộc phải chủ động điều chỉnh chương trình, xây dựng kế hoạch, sắp xếp thời khoá biểu cụ thể cho từng lớp để đảm bảo hiệu quả, thiết thực, chất lượng trong dạy học trực tuyến.
Tại Hội nghị đánh giá sơ bộ về dạy học trực tuyến ở các địa phương ngày 16/4, các đại biểu nêu ra nhiều khó khăn như: hiệu quả tiếp thu, năng lực tự học của học sinh còn hạn chế; chất lượng âm thanh, hình ảnh chưa tốt; điều kiện tiếp cận của học sinh chưa đồng đều…
Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá đây là phương thức tiện lợi, hiệu quả nhất để mang bài học đến với học sinh. Theo Bộ GDĐT, trong thời gian đại dịch, đã có 70-80% số học sinh THPT trong cả nước học trực tuyến.
Như vậy, dạy học trực tuyến đang có những tác động tích cực đến đổi mới phương pháp quản lý của nhà trường, đa dạng hóa hình thức dạy học, chủ động thực hiện chương trình, các hoạt động giáo dục… tạo nên sự tự chủ về kế hoạch, chương trình giáo dục của các nhà trường.
Giáo viên: đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, ứng dụng CNTT
Yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được Nghị quyết 29 đặt ra cho giáo viên. Tuy nhiên, trong dạy học trên lớp, nhiều giáo viên vẫn quen với phương pháp truyền thống: bảng đen, phấn trắng, thầy đọc - trò chép...
Dạy học trực tuyến yêu cầu giáo viên phải làm chủ về CNTT. Chỉ khi giáo viên thành thạo các phần mềm, các ứng dụng và có kỹ năng xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong dạy học mới làm cho học sinh thích thú và giờ học hiệu quả; nếu không, học sinh sẽ mất hứng thú, thậm chí gây ồn ào, ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy.
Điều khiến nhiều người băn khoăn là dạy học trực tuyến thiếu sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh để rồi từ đó giúp học sinh hình thành nguyên tắc giao tiếp ứng xử, lễ nghi phù hợp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, dạy học trực tuyến giúp cho học sinh xây dựng nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trên mạng, điều mà hiện nay rất cần.
Giáo viên cần phải khuyến khích sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau; chuẩn bị nhiều phương án đặt câu hỏi và ứng xử linh hoạt đối với các câu trả lời của học sinh; đa dạng hóa các hoạt động trên lớp học trực tuyến; phản hồi tích cực và kịp thời với từng đối tượng học sinh… giúp cho học sinh xây dựng nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trên mạng phù hợp.
Bên cạnh đó, giáo viên phải hết sức chuẩn mực với hình ảnh, lời nói, cử chỉ vì ngoài học sinh còn có thể có người khác theo dõi giờ dạy. Chỉ một sai sót về kiến thức, vụng về kỹ năng, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp ở một giờ học trực tuyến cũng có thể có những ảnh hưởng không tốt cho giáo viên.
Như vậy, dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng và nỗ lực hơn để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Chỉ như vậy, giáo viên mới có thể định hướng, chỉ dẫn, truyền cảm hứng khai phóng tư duy tự học, sáng tạo của học sinh.
"Thầy giáo trung bình chỉ biết truyền thụ. Thầy giáo tốt biết giải thích. Thầy giáo giỏi biết minh họa. Thầy giáo vĩ đại biết truyền cảm hứng" (William Arthur Ward).
“Cái khó ló cái khôn”. Covid-19, vì vậy, có thể là thử thách mang tính cơ hội cho nhà trường và giáo viên trước thềm đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29.