Năm học 2020-2021, học sinh nhiều tỉnh thành lần đầu tiên trải nghiệm khai giảng trực tuyến, thi học kỳ online, thậm chí nghỉ hè khi chưa thi xong.
Sau một tháng rưỡi hè, năm học 2020-2021 bắt đầu bằng lễ khai giảng ngày 5/9/2020. Không học tập trung từ tháng 8, không có những buổi tập duyệt cho lễ khai giảng khiến cả phụ huynh và học sinh thoải mái hơn sau năm học 2019-2020 đầy biến động, kéo dài sang giữa tháng 7/2020.
Thời điểm đó, Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề. Đà Nẵng là tâm dịch, trải qua 45 ngày cách ly xã hội, kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 khiến học sinh chỉ được xem khai giảng qua kênh truyền hình địa phương. Tại Hà Nội và một số tỉnh thành, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường đảm bảo giãn cách và tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn. Chỉ số ít học sinh đeo khẩu trang, dự khai giảng ở sân trường, còn lại xem livestream, thực hiện nghi lễ trong lớp học.
"Em chưa bao giờ trải qua một buổi khai giảng ngắn gọn như vậy", Nguyễn Phương Diệp Anh, lớp 6M1, trường Marie Curie, Hà Nội, chia sẻ sau lễ khai giảng. Thay vì mong muốn đạt danh hiệu học sinh giỏi lên hàng đầu như mọi năm, nữ sinh mong có sức khoẻ tốt, không phải học trực tuyến do Covid-19. Không chỉ Diệp Anh, 23 triệu học sinh cả nước cũng mong muốn như vậy.
Học sinh trường Marie Curie, Hà Nội, khai giảng trong lớp học. Ảnh: Ngọc Thành.
Không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, học kỳ I vẫn trải qua "sóng gió" với giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp 1 khi lần đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình bị cho là nặng, khiến giáo viên áp lực, phụ huynh cũng đau đầu khi kèm con học. Sách giáo khoa Tiếng Việt, đặc biệt là sách Cánh Diều, bị chỉ ra nhiều sạn, sau đó phải chỉnh sửa.
Dù vậy, đến cuối học kỳ I, hầu hết học sinh lớp 1 đạt mức hoàn thành trở lên. Nhiều phụ huynh bất ngờ vì con đọc thông, viết thạo sau một học kỳ. Giáo viên cũng đánh giá trẻ năm nay học nhanh hơn so với mọi năm, chương trình và sách giáo khoa mới thúc đẩy sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên.
Bước sang học kỳ II được 1-2 tuần, ngày 28/1, Covid-19 bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh với gần 100 ca mắc cùng tốc độ lây lan nhanh do bệnh nhân nhiễm biến thể nCoV mới tại Anh. Hai tỉnh này, cùng Hải Phòng cho học sinh nghỉ học để phòng dịch.
Đợt dịch kéo dài qua Tết Nguyên đán, lan sang 10 tỉnh, thành khác khiến 36 tỉnh thành phải cho học sinh nghỉ Tết sớm và nghỉ kéo dài. Tại Hà Nội và Hải Dương, những ca Covid-19 liên quan đến trường học biến trường học trở thành điểm cách ly tập trung, học sinh và giáo viên phải rời nhà đến trường đón Tết.
Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, nơi có một học sinh mắc Covid-19 và gần 120 học sinh, giáo viên phải cách ly tập trung, chưa bao giờ trải qua "căng thẳng đến vậy". Tết Tân Sửu là cái Tết không thể nào quên với cô Lan. Ở Hải Dương, hình ảnh những đứa trẻ 4 tuổi cách ly tập trung ở trường Mầm non Bạch Đằng khiến nhiều người rơi nước mắt.
Những học sinh may mắn không phải cách ly cũng sốt ruột khi đứng trước kỳ nghỉ Tết kéo dài. Dù đã quen với việc học online, hiệu quả của hình thức học tập này vẫn khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Trẻ 4 tuổi cách ly tại trường Mầm non Bạch Đằng hồi tháng 2. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.
Đầu tháng 3, học sinh được trở lại trường học tập bình thường. Ngoài việc cấp tập bù đắp kiến thức cho các em, nhiều địa phương lên kế hoạch hoàn thành năm học sớm để phòng trường hợp Covid-19 lại bùng phát. Như tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo xác định đẩy thi học kỳ sớm hơn 2 tuần so với mọi năm. Nhiều trường tư thục ở Hà Nội cũng lên kế hoạch tương tự.
Thế nhưng, Covid-19 trở lại ngay kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 khiến các nhà trường đều bất ngờ. Ngày 3/5, học sinh Hà Nam, Vĩnh Phúc dừng đến trường. Hôm sau, thêm Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên và số địa phương cho học sinh nghỉ dù chưa thi học kỳ. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải yêu cầu các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch nhằm đảm bảo thời gian hoàn thành chương trình năm học. Các tỉnh, thành đồng loạt đẩy thi học kỳ lên sớm, thi cả vào thứ bảy, chủ nhật, sau đó học trực tuyến phần còn lại hoặc cho nghỉ hè.
Việc thi học kỳ online lần đầu được nhắc tới khi Đà Nẵng và Vĩnh Phúc triển khai hình thức này do Covid-19 phức tạp và học sinh không thể đến trường. Riêng Hà Nội, UBND thành phố cho học sinh nghỉ hè sớm nửa tháng (từ 15/5), dù hầu hết học sinh chưa thi học kỳ hoặc đang thi dở dang. Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại gồm thi học kỳ II và tổng kết sẽ được thực hiện trong thời gian nghỉ hè, khi dịch bệnh ổn định. Lịch thi "có một không hai" khiến nhiều phụ huynh vừa mừng vừa lo, sợ con rơi rụng kiến thức nếu kỳ thi học kỳ quá xa.
Cũng bởi ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tỉnh, thành phải hoãn kỳ thi vào lớp 10 như Bắc Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng. Một số trường chuyên trực thuộc đại học ở Hà Nội như THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hay chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng hoãn thi và chưa thể thông báo lịch thi mới do Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lên các phương án tổ chức như đợt một năm ngoái ở những địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thêm đợt thi. Khả năng cao, việc tổ chức thi thành nhiều đợt được áp dụng bởi như Bắc Giang hiện có hơn 9.000 học sinh lớp 12 thuộc diện cách ly xã hội và có thể vẫn ở trong khu vực cách ly, giãn cách khi kỳ thi diễn ra (ngày 7-8/7).
Ở bậc đại học, nhiều trường phải cho sinh viên nghỉ dài, chuyển sang học trực tuyến. Việc thi cử cũng được chuyển đổi hình thức hoặc hoãn lại.
Với bậc mầm non, thi cử không phải vấn đề nhưng việc học sinh phải nghỉ học do Covid-19 khiến nhiều trường tư thục điêu đứng do không có kinh phí duy trì. Giáo viên rơi vào tình trạng "đến dịch hết tiền" do không có lương. Phụ huynh vẫn đứng trước bài toán làm thế nào để trông con khi bố mẹ vẫn phải đi làm.
Học sinh trường Tiểu học Khương Thượng học online hồi tháng 2/2021. Ảnh:Thanh Hằng.
Ngoài những ảnh hưởng do Covid-19, năm học qua vẫn tồn tại một số tình trạng như bạo lực học đường, từ giáo viên đánh học sinh đến học sinh đánh nhau, thậm chí có thiệt mạng. Đầu năm học, việc sập cổng trường ở Lào Cai làm chết 3 học sinh, ở Đăk Nông làm chết một học sinh, hay sập tường rào ở Nghệ An khiến một em tử vong làm dấy lên những lo ngại về cơ sở vật chất trong trường học.
Dù gặp không ít khó khăn do Covid-19, ngành giáo dục cũng có nhiều điểm sáng như cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh ở Phú Thọ, vào top 10 giáo viên toàn cầu; học sinh giành giải ba Khoa học kỹ thuật thế giới hay đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Việc học trực tuyến cũng chủ động, trơn tru hơn do có sự chuẩn bị từ năm trước và Bộ cũng ban hành thông tư, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để các trường thực hiện.
Năm học qua, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trở thành tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Nhận nhiệm vụ mới, ông Sơn cho rằng có nhiều thuận lợi nhưng cũng muôn vàn khó khăn và áp lực, đặc biệt từ sự kỳ vọng lớn của xã hội. Nhiều thách thức lớn đặt ra với tư lệnh ngành như giải quyết bài toán giữ ổn định hay thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT, đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học hay khôi phục vị thế của người thầy trong xã hội...