Mục tiêu đem về 12 tỉ đô la Mỹ của ngành gỗ gần như đã sụp đổ trước diễn biến quá nhanh của dịch bệnh.
Các doanh nghiệp gỗ rơi vào cơn nguy vì Covid-19 Ảnh: VT
Đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 mới chỉ bùng phát tại Trung Quốc, dường như các công ty gỗ như Tiến Đạt Furniture Corporation không bị ảnh hưởng gì, thậm chí đơn hàng còn nhiều hơn khi khách hàng dịch chuyển hợp đồng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho rằng: “Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng đưa cho công ty một triệu đô la để mở rộng sản xuất, tăng năng lực xuất khẩu sản phẩm đồ bếp sang Mỹ".
Cũng vào cuối năm ngoái, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ít nhiều tác động tới các đơn hàng của các công ty chế biến gỗ Việt Nam, cụ thể là nhiều hơn, nên ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 còn đưa ra dự báo triển vọng lạc quan ngành khi toàn bộ nhà máy làm việc không có ngày nghỉ, tăng ca liên tục.
Nhưng chỉ một tháng trở lại đây, khi dịch Covid-19 lần lượt càn quét qua các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, nơi chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch của toàn ngành, thì những triển vọng trước đó hoàn toàn tan biến, mục tiêu đem về 12 tỉ đô la năm 2020 dường như sụp đổ.
“Toàn bộ thị trường lớn hầu như đã đóng băng. Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn. Nhật Bản và Hàn Quốc còn lác đác. Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại bình thường… Thị trường toàn cầu gần như mất hết”, ông Hiệp, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương (BIFA) nói.
Cũng giống các ngành khác như dệt may, da giày, các doanh nghiệp ngành gỗ liên tục nhận được thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Các doanh nghiệp cũng được thông báo một số khách hàng lớn lâm vào tình trạng chuẩn bị phá sản.
Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodland, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và 60 triệu đô la Mỹ doanh thu năm 2019 từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, cho biết, khách hàng đã ngay lập tức báo dừng đơn hàng khi EU và Mỹ áp dụng các biện pháp đóng cửa, cách ly xã hội.
“Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần”, ông Bằng nói. “Dự kiến 6-7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng của chúng tôi nữa hay không”.
Đây là những công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, EU, ổ dịch lớn nhất thế giới. Một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, đơn vị chủ yếu xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc và Nhật Bản, cho hay giờ ông chỉ còn xuất khẩu được 5 container mỗi tháng, giảm 90% so với thời kỳ trước dịch.
Nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động một phần và sẽ tiếp tục ngừng hoặc đóng cửa trong thời gian tới. Đồ họa: VD - nguồn Vifores.
Theo điều tra nhanh từ 124 doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), 75% doanh nghiệp đã chịu thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương 25 tỉ đồng với mỗi doanh nghiệp, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu dịch bệnh kéo dài. Có 24% doanh nghiệp chưa xác định được thiệt hại; khoảng 1% cho rằng doanh thu của họ đã giảm 70%.
Theo Vifores, có những doanh nghiệp, đề nghị giấu tên cho rằng, trong 2 tuần qua, họ đã thiệt hại 4 triệu đô la (96 tỉ đồng) do khách hàng huỷ hợp đồng.
Đơn hàng bị hủy bỏ nằm trong nguyên nhân bất khả kháng, do vậy người mua hàng không có trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp, kể cả khi doanh nghiệp đã sản xuất xong đơn hàng. Không có nguồn thu trong khi các chi phí khác như lao động, bảo hiểm, thuế, phí vẫn phải trả.
“Trong bối cảnh này giảm lao động là tất yếu… đối với toàn bộ doanh nghiệp” ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, sa thải toàn bộ lao động, một số đóng cửa một phần như Công ty cổ phần Lâm Việt, đơn vị chuyên xuất hàng đi Mỹ với kim ngạch đạt 32 triệu đô la năm ngoái. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch công ty cho hay, tính tới đầu tháng 4, ông đã phải giảm 600 lao động và hiện chỉ còn duy trì 400 người.
Ngoài chi phí về lương, các loại thuế, phí và bảo hiểm xã hội, cũng đang góp phần đẩy nhanh tiến trình doanh nghiệp... tới bờ vực phá sản. Ông Bằng từ Woodland lo ngại ông không biết tìm đâu nguồn tiền để thanh toán khoản vay sắp đáo hạn vào tháng 6 tới, và đây cũng là yếu tố quyết định tới sinh tồn của doanh nghiệp.
Các công ty như Woodland, Lâm Việt, hay Kẻ Gỗ không phải là trường hợp hiếm trong ngành gỗ khi họ vừa phải lo duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, chi trả lương cho nhân viên, các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), thuế và phí trong khi nguồn tiền không có.
Vẫn biết sau cơn mưa trời lại nắng, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhu cầu sẽ bật tăng trở lại sau thời gian dài kìm nén, nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành có thể sống được tới lúc đó, để họ có thể tiếp tục kinh doanh, tạo việc làm và mang về ngoại tệ cho đất nước. Đây là bài toán khó, cần lắm sự chung tay của Chính phủ, ngân hàng và cộng đồng.
Những gánh nặng được cho là sẽ đẩy nhanh tiến trình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đồ họa: VD, nguồn Vifores.