Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Tăng trưởng quý 1 thấp nhất 10 năm, tổng thu cân đối ngân sách 4 tháng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục...
Sáng 5/5, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành phiên họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh nét đặc thù của nền kinh tế đầu năm nay là bị tác động mạnh bởi dịch Covid - 19, và đây là nội dung sẽ được thể hiện đậm nét tại báo cáo về kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp .
Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương khái quát: tác động của dịch Covid-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dịch vụ ảnh hưởng nặng nề nhất
Ở Việt Nam, báo cáo đánh giá, do dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý 1/2020 chỉ đạt 3,82% là mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá.
Thứ trưởng nhấn mạnh, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, các hoạt động thương mại, du lịch,... giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước , trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 80,6% tổng mức, tăng nhẹ (0,4%) do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Thu hút khách quốc tế giảm 37,8% . Các hoạt động dịch vụ khác như vận tải, nhất là vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống... cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Phát triển doanh nghiệp được nhận định là chịu tác động lớn bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp đều thận trọng trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm có xu hướng chững lại, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2019 . Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt khoảng 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 33,6%), nhất là tại các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; du lịch; giáo dục và đào tạo và vận tải, kho bãi.
Tín dụng tăng nhẹ
Nhận định chung là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu con số cụ thể, như xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI bình quân còn ở mức cao, tăng 4,9% so với bình quân cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ .
Về tiền tệ, ngân hàng, đến ngày 14/4/2020, huy động vốn tăng 0,55% so với cuối năm 2019; tín dụng tăng nhẹ (0,74%) so với cuối năm 2019.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu chi ngân sách bộc lộ rõ nét hơn, tổng thu cân đối 4 tháng đầu năm bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, tổng chi cân đối ngân sách 4 tháng đầu năm bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8%.
Về đầu tư phát triển, Thứ trưởng cho biết tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/ 2020 ước đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2%, thấp hơn cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) 4 tháng đầu năm đạt thấp (khoảng 12,33 tỷ USD), giảm 15,5% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI khoảng 5,15 tỷ USD, giảm 9,6%, chủ yếu do tác động của chính sách hạn chế di chuyển và nhà đầu tư nước ngoài trì hoãn các quyết định đầu tư mới, mở rộng đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 chuyển biến tích cực, ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, đạt 18,98% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2019 .
Đáng chú ý là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục. Quý 1, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 75,4%, giảm 1,3 điểm phần trăm, thấp nhất 10 năm qua.