Do tác động của dịch Covid-19, cùng với các quy định về giãn cách xã hội nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh khiến lượng khách đi lại giảm, từ đó dẫn đến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của nhiều doanh nghiệp vận tải suy giảm. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đường bộ và đường sắt đều lỗ nặng.
Doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng vì lỗ do tác động của dịch Covid-19 - Ảnh: Anh Quân
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vinasun đạt 521 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế lỗ 128 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái hãng taxi này vẫn lãi gần 61 tỉ đồng.
Vinasun cũng đưa ra kịch bản trong quí 3 và 4, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát thì mới có thể phục hồi kinh doanh. Ước tính quí 3 sẽ lỗ 6-8 tỉ đồng và trong quí 4 sẽ lãi trở lại 25-30 tỉ đồng. Đối với kế hoạch cả năm 2020, doanh thu của Vinasun dự kiến đạt 1.180 tỉ đồng, giảm 41% so với năm trước; số lỗ dự kiến là 115 tỉ đồng, trong khi năm trước lãi 109 tỉ đồng.
Tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên số lượng nhân viên của Vinasun giảm hơn 1.100 người so với thời điểm cuối năm 2019. Tính đến 30-6, hãng taxi này còn 4.625 nhân viên, trong khi con số này cuối năm 2019 là 5.790 người.
Cũng ở mảng vận chuyển hành khách, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (mã BSG) trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm được công bố đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 138,6 tỉ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ 2019). Do doanh thu giảm sâu nên doanh nghiệp này đã lỗ tới 119 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước lợi nhuận sau thuế đạt 4,2 tỉ đồng.
Những năm gần đây, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn tiếp tục mở rộng các tuyến xe buýt kết nối nhiều khu vực trung tâm TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh đặc biệt là hai tuyến liên vận quốc tế đến cửa khẩu Mộc Bài và thủ đô Phnompenh của Campuchia.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lượng hành khách đi lại giảm nên doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp xe khách này dự kiến đạt 351 tỉ đồng và lỗ 122,3 tỉ đồng.
Đối với vận tải đường sắt, kết quả kinh doanh được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu của toàn tổng công ty đạt 3.023 tỉ đồng (bằng 80,6% so với cùng kỳ 2019).
Dù vận tải hàng hóa được duy trì để bù đắp cho vận tải hành khách nhưng 6 tháng đầu năm 2020, VNR vẫn lỗ 450,6 tỉ đồng.
Theo giải trình của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do dịch Covid-19 đã làm hoạt động của ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn, doanh thu hành khách hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước. Tính từ tháng 2 đến tháng 5-2020, ngành đường sắt đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ năm 2019.
Đó là chưa kể khi giãn cách xã hội, ngành đường sắt phải bãi bỏ nhiều đoàn tàu và hành khách trả lại vé đã mua tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do phát sinh một số chi phí phòng chống dịch như vệ sinh toa xe, nhà ga dẫn đến lợi nhuận bị âm.
Với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại nên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Với tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong nửa đầu năm 2020, kịch bản để doanh nghiệp vận tải lật ngược thế cờ trong những tháng còn lại của năm để có lãi là rất khó khả thi.