Sau 2 tháng liên tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2017 được cơ quan chức năng ghi nhận quay đầu tăng nhưng mức tăng không lớn, chỉ 0,11% so với tháng 6. Một trong những nguyên nhân đẩy CPI tháng này tăng chính là giá thực phẩm đã tăng trở lại.
CPI tháng này tăng 0,11% so với tháng 6 vì thực phẩm tăng giá. Ảnh: Minh Tâm |
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (29-7), trong tháng này, chỉ số giá của nhóm thực phẩm đã tăng 0,87% so với tháng 6. Nguyên nhân cũng dễ thấy là giá của thịt gia súc, gia cầm đã tăng lên trong những ngày qua (vì nguồn cung giảm sau đợt “giải cứu”).
Chỉ số giá của nhóm thực phẩm vì thế tăng 0,54% so với tháng 6 dù thành tố lương thực giảm 0,08%; ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng 0,01%.
Bên cạnh nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong tháng này còn có 7 nhóm hàng hóa khác tăng giá. Trong số này, đáng kể nhất là nhóm hàng hóa dịch vụ khác (với mức tăng 0,73%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,36%). Năm nhóm còn lại tăng ở mức thấp, chưa tới 0,1% so với tháng trước.
Ngược lại, trong tháng 7 có 3 nhóm giảm giá. Lớn nhất là giao thông (giảm tới 1,52% so với tháng 6) do ảnh hưởng của các lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu hôm 20-6 và 5-7 (đều trong chu kỳ lấy giá tính CPI). Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm không đáng kể.
Tính chung, CPI tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước. CPI tăng 0,31% so với tháng 12-2016 và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước.
Qua 7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Xét theo khu vực, trong tháng 7, chỉ số giá ở khu vực thành thị tăng thấp hơn nông thôn, lần lượt là 0,09% và 0,12%.
Xét theo địa phương, có khá nhiều địa phương có chỉ số giá giảm. Ví dụ, TPHCM có CPI giảm 0,06%, Gia Lai giảm 0,09%… Tuy nhiên, tại khá nhiều tỉnh thành CPI tăng cao hơn mức bình quân, như Hà Nội với mức tăng 0,23%, Thái Nguyên tăng 0,22%…
Lạm phát cơ bản (theo thước đo CPI loại trừ lương thực thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế) của tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Minh Tâm / (TBKTSG Onine)