Cù lao Minh, hay còn gọi cù lao An Bình, gồm 4 xã (An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ) với diện tích hơn 60km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và Hàm Luông, là điểm đến sông nước miệt vườn hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm nơi đây đón khoảng một triệu lượt du khách, trong đó có cả hàng trăm ngàn du khách quốc tế.
Du khách thích thú thăm vườn chôm chôm ở xứ cù lao. Ảnh: HUỲNH BIỂN
Cù lao An Bình được chọn tổ chức Ngày hội Du lịch Vĩnh Long lần thứ I năm 2018 (vừa diễn ra cuối tháng 8) bởi du khách tham gia ngày hội sẽ được lập tức trải nghiệm du lịch sông nước miệt vườn. An Bình sông rạch uốn quanh, vườn chôm chôm, nhãn… xanh tươi, mát rượi. Du khách được người dân chèo ghe tam bản đưa len lõi qua những con rạch ngắm vườn chôm chôm chín đỏ hay vườn nhãn trĩu quả hai bên bờ; hay đạp xe trên những con đường làng rợp bóng cây, hít thở khí trời miệt vườn yên bình, êm ả. Thiên nhiên đã ban cho cù lao An Bình cây lành trái ngọt bốn mùa và người dân xứ cù lao đã sáng tạo, tận dụng sông rạch, vườn cây ăn trái làm điểm tham quan du lịch, homestay. Khách đến đây thích nhất là được ngắm nhìn những đêm trăng thanh bên dòng sông Cổ Chiên, ngủ vườn, nghe tiếng gà gáy sáng…
Hiện tại, Vĩnh Long có 40 điểm tham quan du lịch, với 26 điểm homestay; thì cù lao An Bình có đến 20 homestay, 6 cơ sở dịch vụ ăn uống và 1 trang trại du lịch sinh thái… là điểm đến thu hút đông du khách nhất của Vĩnh Long. Từ hơn 20 năm trước, cù lao An Bình đã có mặt trên bản đồ du lịch thế giới, được các Guidebook hàng đầu đánh dấu. Lúc đó, An Bình là điểm đến miệt vườn sông nước nổi tiếng với vườn du lịch Sáu Giáo, Tám Hổ, Mười Hưởng, nhà cổ Cai Cường…
Du khách nước ngoài thích đi ghe tam bản vào các kênh rạch cù lao An Bình. Ảnh: HUỲNH BIỂN
Theo nhịp thời gian, các thế hệ con cháu của các bậc lão nông tri điền tiếp bước đầu tư phát triển du lịch cù lao An Bình. Trước đây, du khách thường đến nhà vườn tham quan, thưởng thức trái cây, xem cây kiểng…, nay nơi đây đã đa dạng dịch vụ tham quan, trải nghiệm, ăn uống, nghỉ dưỡng. Có cả trăm thuyền lớn nhỏ phục vụ để du khách đến An Bình dễ dàng, các con đường làng cũng được đầu tư xây dựng. Du khách tham quan vườn cây ăn trái, có thể ăn chôm chôm tính “bụng”, thăm làng nghề, trải nghiệm tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, làm bánh dân gian, đốt đuốc đi xem hát bội của Đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh (của ông Bầu Răng, tên thật Huỳnh Văn Răng) đã trải qua 100 năm thăng trầm, đờn ca tài tử, thưởng thức những đặc sản miệt vườn cùng với rau xanh đồng nội. Ông Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, cho biết: “Bên cạnh cù lao An Bình, Vĩnh Long còn tiềm năng du lịch ở các cù lao trên sông Tiền và sông Hậu như cù lao Mây huyện Trà Ôn; cù lao Dài huyện Vũng Liêm... Cảnh quan môi trường tự nhiên, sinh hoạt và tính cách mộc mạc của người dân đã thu hút du khách, nhất là khách quốc tế”.
Bây giờ, mỗi năm cù lao An Bình đón khoảng 1 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 200.000 lượt du khách quốc tế. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành thì cù lao vẫn còn nhiều tiềm năng, do chưa được đầu tư khai thác hết. Nơi đây có hệ thống kênh rạch, vườn cây ăn trái đa dạng, sinh hoạt sông nước… có nhiều lợi thế để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại, giải trí dân gian, thể thao sông nước, khám phá văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian, văn minh miệt vườn. Có thể xây dựng thêm những sản phẩm mới như bữa tiệc trái cây (buffet trái cây), xem hát bội cuối tuần, một ngày làm công tử, tiểu thư miệt vườn… Đồng thời, để tháo được “điểm nghẽn” và thu hút du khách đông hơn, cù lao An Bình cần sớm đầu tư hạ tầng cơ sở như nạo vét kênh rạch, xây dựng giao thông đường bộ…, chắc chắn du khách sẽ đến xứ sở cù lao nhiều hơn.
- Những công ty cho thuê tàu, xe đạp, ghe chèo… quanh cù lao An Bình: Mekong Travel, Vinhlong Tourist, Cuulong Tourist... - Một số homestay trên cù lao An Bình như: Út Trinh homestay, Hai Đào homestay, Phương Thảo homestay, Vinh Sang, Ba Lình, Út Thủy, Nam Thành, Ba Hùng… - Tour 1 ngày làm nông dân của Khu du lịch sinh thái Vinh Sang: 299.000 đồng/người (đoàn 10 khách trở lên), bao gồm đưa đón khách qua sông, tát mương bắt cá, cưỡi đà điểu, câu cá sấu, trượt cỏ, bơi thuyền thúng và suất cơm trưa (thực đơn 110.000 đồng/suất). - Vé phà sông Cổ Chiên đến cù lao An Bình: 4.000 đồng/người và xe gắn máy. - Chôm chôm ăn “bụng” 50.000-70.000 đồng/người (tùy theo mùa). - Cốm gạo 30.000 đồng/phần (Cơ sở sản xuất cốm kẹo Cửu Long). - Vé vào cửa tham quan Khu du lịch sinh thái Vinh Sang: 50.000 đồng/người. |
HUỲNH BIỂN /baocantho