Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng là do kỹ năng làm việc, ý thức kỷ luật chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Sinh viên tốt nghiệp đang xin việc làm
Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố hồi tháng cuối 1/2016 cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.
Còn theo một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, kiến thức, kỹ năng mà chúng ta đang dạy trong các cơ sở đào tạo hiện nay vẫn còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu của người sử dụng lao động.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là các hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, cơ quan quản lý thị trường lao động để thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong nhà trường, với kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.
Trước tình trạng người học có trình độ cao nhưng lại rơi vào cảnh thất nghiệp, các đối tác nước ngoài và doanh nghiệp cho rằng, các cơ sở đào tạo cũng nên xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng từng ngành nghề, thái độ ứng xử và ý thức kỷ luật của người học. Như thế, các chương trình đào tạo của trường thiết kế mới có thể phù hợp với yêu cầu mà nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi.
Sinh viên chưa chủ động trong nghiên cứu, thực hành
Là giảng viên giảng dạy lâu năm và nay chuyển sang lĩnh vực quản lý, Giáo sư, Tiến sĩ, NGƯT Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng, hiện nay, việc học tập của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng vẫn còn thụ động, chưa có sự chủ động trong nghiên cứu, thực hành.
Nhiều sinh viên có động cơ học tập chưa rõ ràng, việc học chỉ là hình thức đối phó với áp lực từ phía gia đình nên các em không hình dung được nghề nghiệp trong tương lai sẽ như thế nào. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến phần lớn sinh viên tốt nghiệp chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng.
Để khắc phục tình trạng này, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THPT. Ngoài ra, chương trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ lý thuyết sang thực hành, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm để sinh viên có thể thực hành ở từng chuyên ngành một cách đầy đủ và thực tế hơn.
Chất lượng học tập trong suốt quá trình học tập của sinh viên tác động rất lớn tới chất lượng “đầu ra”. Đây là yếu tố quan trọng tác động tới việc sinh viên đó có thể đáp ứng được công việc của nhà tuyển dụng.
Theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long, hiện tượng học sinh chọn “bừa” một trường đại học để miễn sao trúng tuyển khi đăng ký xét tuyển đại học cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng học tập của sinh viên trong thời gian học đại học yếu kém.
Có thể nói, nguồn tuyển sinh đầu vào đại học, cao đẳng không thể coi là yếu tố quyết định chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Nhiều sinh viên có điểm tuyển sinh vào trường thấp nhưng khi tốt nghiệp lại có khả năng làm việc tốt hơn những sinh viên có điểm đầu vào cao.
Điều quan trọng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được công việc là chính khả năng tự học tập, rèn luyện của sinh viên. Bên cạnh đó là việc đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng phải phát huy được khả năng học tập của các em.
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Hà Nội là một trong số các địa phương có con số tinh giản thấp nhất trong cả nước.
Đào tạo phải sát thực với nhu cầu tuyển dụng
Đồng ý với quan điểm không phải cứ sinh viên có điểm tuyển sinh vào trường cao là sẽ tốt nghiệp như vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, hiện nay có thực trạng là học sinh THPT có điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng rất cao.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình rất nghèo nên trong quá trình học, các em phải tìm việc làm thêm để phụ giúp gia đình và trang trải cuộc sống sinh hoạt, đóng tiền học phí… Điều này khiến nhiều sinh viên không có thời gian học tập, vào thư viện, thực hành ở phòng thí nghiệm… nên ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và kỹ năng làm việc của các em khi tốt nghiệp.
Đó là chưa kể tới những trường hợp, có sinh viên vào trường với kết quả cao nhưng trong thời gian học đại học, các em lại tự mãn, mải mê lao vào những trò chơi vô bổ, ham thích chơi games online…
Chính vì thế, khi trực tiếp xin việc làm theo đúng chuyên ngành thì đa phần sinh viên không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Để sinh viên có được những kiến thức, kỹ năng thành thạo khi ra trường và có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, ông Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến, các trường đại học, cao đẳng ngoài việc giảng dạy lý thuyết và thực hành tốt cho sinh viên thì cần hướng dẫn các em cách thức để học tập hiệu quả.
Các trường cần trang bị cho các em những kỹ năng làm việc độc lập và theo nhóm, xử lý mọi vấn đề một cách khoa học, sát với thực tế công việc của thị trường lao động; thái độ ứng xử và ý thức làm việc một cách trung thực, có nguyên tắc. Có như vậy, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mới có thể giảm.
Theo Bích Lan / VOV.VN