“Thị hiếu con người luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn, vì vậy mình phải thường xuyên cập nhật công nghệ. Làm gì cũng vậy nếu không linh hoạt, tạo cái riêng thì khó thành công được".
Ông giám đốc lấm lem
Lấm lem vì suốt ngày bê sắt thép, cặm cụi với máy móc cùng công nhân trong xưởng. “Làm cái nghề này không thể sạch được, không biết ngửi bụi sắt, dầu bết tay, quen tiếng máy gào thì không nên việc được”, anh Vinh nói. Công nhân còn được phân việc rõ ràng chứ giám đốc thì kiêm hết.
Theo đó, anh Vinh vừa đảm trách quản lý, vừa giao dịch nhận hàng, nghiên cứu chế tạo máy móc và làm cả bảo vệ hay khuân vác lúc cần. Làm được việc nào tiết kiệm được chừng ấy, tránh rườm rà sinh thêm bao nhiêu khoản, đội giá sản phẩm lên vừa khó cạnh tranh lại ảnh hưởng đời sống công nhân. Thấy chồng vậy, vợ anh là cô giáo dạy văn nhưng về tới nhà cũng cùng chồng tính toán chuyện sổ sách.
Tự tìm tòi sáng chế ra những máy móc giúp xưởng sản xuất của anh Vinh tăng năng suất |
Xưởng có 40 công nhân, đều là thanh niên trong thôn, có hoàn cảnh khó khăn hoặc những em học sinh hư, nghỉ học muốn làm kinh tế phụ giúp gia đình. Dù không bị quản lý chặt về thời gian nhưng ai nấy đều chăm chỉ làm việc bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng hợp lý. “Mình phải hiểu thợ của mình. Hoàn cảnh gia đình thế nào, tính cách ra sao, phù hợp với phần công việc nào mình đều nắm và phân công hợp lý”, anh Vinh tâm sự.
Ở cái thời buổi tìm việc khó khăn, xin được một công việc ổn định, gần nhà, lương 3,5 - 4 triệu/tháng là mong muốn của nhiều bạn trẻ không được đào tạo nghề. Thế nên dù chẳng treo bảng tuyển nhân viên nhưng ngày nào cũng có người tới xưởng xin việc. “Mình đang nỗ lực thời gian tới mở rộng nhà xưởng, cơ sở để tiếp tục tạo việc làm cho con em địa phương”, anh Vinh nói.
Tự tạo cơ hội
Anh Vinh kể về hành trình khởi nghiệp của mình. Tốt nghiệp khoa tiếng Pháp (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), nhưng vì rất thích làm nông nên sau một thời gian tìm hiểu, anh Vinh quyết định hùn vốn với ba người bạn mở trang trại nuôi giun quế. Bốn anh chàng ngày đêm miệt mài dựng trang trại, mua giống, tham khảo kỹ thuật chăn nuôi. Đến khi có sản phẩm thì thị trường bão hòa, không tiêu thụ được sản phẩm nên cả nhóm phải giải nghệ. Sau thất bại, anh Vinh đau đáu tìm đường khởi nghiệp riêng cho mình.
Sẵn có tấm bằng cử nhân tiếng Pháp, anh Vinh xin cộng tác hướng dẫn du lịch cho hai công ty lữ hành. Song công việc không ổn định, thời gian nhàn rỗi nhiều. Một người bạn lại ngỏ ý với anh về một xưởng sản xuất và gia công innox. Một nghề mới và hoàn toàn trái ngành học, anh Vinh băn khoăn, còn người thân khuyên không nên mạo hiểm.
Vốn đam mê sáng tạo, anh Vinh quyết định chuyển hướng cuộc đời mình sang một bước ngoặt kinh doanh mới. Anh Vinh vào Nam ra Bắc tìm mấy bạn học cũ có kinh nghiệm để nhờ tư vấn; Liên lạc tới các công ty, xí nghiệp để học nghề và luôn tìm tòi để đổi mới công nghệ cho phù hợp. Bản thân anh Vinh chỉ tranh thủ học được vài hôm rồi gửi công nhân đi học. Vừa học anh vừa bắt tay sáng chế những loại máy cho phù hợp.
“Công nhân làm việc có giờ giấc chứ ảnh thì tất bật cả ngày lẫn đêm. 5 giờ sáng đã lục đục dậy, vậy mà làm riết đến tận 12 giờ khuya. Giám đốc gì mà toàn mang dép nhựa, áo quần lấm lem, tất tả cả ngày mà chẳng bao giờ than mệt. Bảo ảnh nghỉ ngơi, ảnh chậc lưỡi, ráng thêm tí nữa cho công nhân được nhờ”, chị Đặng Thị Minh Hoa, vợ anh Vinh nói.
Tháng 6/2011, xưởng sản xuất bắt đầu đi vào hoạt động, chủ yếu là sản xuất móc treo áo quần. Ban đầu vốn ít, điều kiện đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định còn phải thăm dò nên anh Vinh chưa dám xây xưởng lớn.
Sau ba lần mở rộng, xưởng sản xuất của anh nay rộng 200m², trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại. Anh Vinh còn tự tay sáng chế ra nhiều máy móc để phục vụ cho công việc, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và sức lao động. Chiếc máy mài do anh chế tạo có khả năng thực hiện cùng lúc công việc của 5 nhân công hay chiếc máy ép có nắp trượt cho sản phẩm bóng sáng và đẹp hơn…
Theo Hoài Văn/ Tiền phong