Samsung đã quyết định ngừng sản xuất dòng phablet đầu bảng của hãng là Galaxy Note7, và đó là cú “sẩy chân” khá nặng của nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới. Nhưng điều quan trọng, nó sẽ tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ngày hôm qua (11/10/2016), Samsung Electronics đã chính thức công bố việc ngừng bán, thu hồi sản phẩm, đồng thời cũng ngừng sản xuất dòng sản phẩm Galaxy Note7 của hãng trên toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nhà máy của Samsung tại Việt Nam - cứ điểm sản xuất hiện cung ứng khoảng 35% tổng sản lượng thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu - cũng sẽ ngừng sản xuất sản phẩm này.
Quyết định này được cho là bước đi cần thiết của Samsung trong bối cảnh ngay cả các sản phẩm Galaxy Note7 đã được đổi mới vẫn tiếp tục bị phát nổ. Tuy nhiên, đó cũng thực sự là một cú “sẩy chân” khá nặng của nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới hiện nay. Sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số và uy tín của tập đoàn này trên toàn cầu. Báo cáo tình hình kinh doanh quý III của Samsung và sự sụt giá của cổ phiếu Samsung trên thị trường chứng khoán đã chứng minh điều đó.
Samsung Electronics đã chính thức công bố việc ngừng bán, thu hồi sản phẩm, đồng thời cũng ngừng sản xuất dòng sản phẩm Galaxy Note7 của hãng trên toàn cầu. (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, điều quan trọng là, sự cố này của Samsung cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Ảnh hưởng dễ thấy nhất và cũng trực tiếp nhất, đó là tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Số liệu được Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh 5,9% (tương đương 896 triệu USD). Trong khi đó, sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 6,8% (tương đương 1,1 tỷ USD). Và một trong những nguyên nhân được nhắc tới liên quan tới tình hình xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note7 của Samsung.
“Tháng 8, Samsung có ra mắt sản phẩm Galaxy Note7 nên kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng mạnh. Nhưng sang tháng 9, do sản phẩm bị lỗi pin nên Samsung phải thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố, vì vậy đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu”, Tổng cục Thống kê bình luận và cho biết, chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã giảm 506 triệu USD trong tháng 9/2016.
Tuy theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, tác động có thể không quá lớn, do đã vào cuối năm và cũng do Galaxy Note 7 chỉ là một trong số rất nhiều dòng sản phẩm của Samsung, song đây lại là sản phẩm chủ lực của nhà sản xuất này, giá trị lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng chỉ đạt mức 6,7% - còn cách rất xa mục tiêu điều hành 10% - thì cú “sẩy chân” của Samsung sẽ là một “cú bồi” tiếp theo khiến khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay càng xa vời.
Mới chỉ thu hồi để đổi mới, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đã giảm tới nửa tỷ USD, thì nếu dừng sản xuất, lượng kim ngạch xuất khẩu giảm sẽ còn lớn hơn nữa, con số có thể lên tới hàng tỷ USD.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, kể từ năm 2009 - khi Samsung bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhà sản xuất này, bởi họ đóng góp tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm ngoái, Samsung Việt Nam xuất khẩu 32,78 tỷ USD, còn năm nay, con số dự kiến là 34,4 tỷ USD.
Điều đặc biệt là, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, giá trị gia tăng do Samsung mang lại cho nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 9,35 tỷ USD trong năm 2014 lên 15,46 tỷ USD trong năm 2015 và con số dự kiến của năm nay sẽ là 17,47 tỷ USD.
“Một con số chứng tỏ những đóng góp to lớn của Samsung cho nền kinh tế Việt Nam, lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của nhiều người”. GS. Nguyễn Mại bình luận.
Nhưng nếu ngừng sản xuất Galaxy Note7, có thể, mức kim ngạch xuất khẩu, cũng như giá trị gia tăng dự kiến sẽ không còn đạt được nữa. Và điều đó cũng có nghĩa, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chưa kể, ngoài đóng góp cho xuất khẩu Việt Nam, các nhà máy của Samsung còn tạo được rất nhiều tác động lan tỏa khác, liên quan tới tạo việc làm, nộp thuế, thu hút nhà đầu tư vệ tinh, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Chẳng hạn, hiện Samsung giải quyết việc làm cho trên 110.000 lao động. Bởi thế, một cú “sẩy chân” của Samsung có thể ảnh hưởng nhiều mặt tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Khi Samsung Hàn Quốc công bố việc ngừng sản xuất dòng sản phẩm Galaxy Note7 trên toàn cầu, họ cũng đã nhắc tới những thiệt hại cho các nhà cung cấp linh, phụ kiện. Và do vậy, chắc chắn cũng sẽ có không ít nhà cung cấp ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ quyết định này của Samsung.
Ngày hôm qua, tại một cuộc hội thảo công bố tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016, các chuyên gia kinh tế cũng đã đề cập việc cần đánh giá một cách đầy đủ việc Samsung ngừng sản xuất Galaxy Note7 thì sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam như thế nào.
Trong khi đó, hai ngày trước đây, khi tin đồn về việc Samsung tạm ngừng sản xuất dòng Galaxy Note7 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã có không ít quan điểm trái chiều, người chia sẻ, kẻ hả hê. Nhưng có một bình luận rất đáng chú ý trên tờ Vnexpress, đó là “thay vì săm soi, hãy nghĩ đến việc nếu Samsung ngừng sản xuất, người Việt Nam mất đi bao nhiêu việc làm, bao nhiêu thu nhập…”.
Đó là một góc nhìn rất thực tế trong bối cảnh hiện nay. Phải hiểu rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, một cái “hắt hơi sổ mũi” của thị trường toàn cầu cũng đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, huống gì là một cú “sẩy chân” của một doanh nghiệp đang đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, cho giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cũng giống như câu chuyện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, khi giá dầu giảm mạnh, kinh doanh của tập đoàn này khó khăn, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít vấn đề.
Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế khỏe. Để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, thì cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung cũng phải thực sự khỏe mạnh.
Nguyên Đức / baodautu