Trong khi phần lớn người nước ngoài thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore có xu hướng thuê nhà thì phần lớn người Trung Quốc, Đài Loan có xu hướng mua nhà khi cư trú tại Việt Nam.
Riêng tại TPHCH hiện có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) dẫn thống kê chưa đầy đủ cho biết, có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại thành phố. Trong đó, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 90.000 người; Người Nhật Bản khoảng hơn 8.000 người; Người Đức khoảng 1.200 người; Người Italia khoảng 570 người...
Người nước ngoài cư trú tập trung tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; phường Thảo Điền, quận 2 và khu trung tâm thành phố. Riêng quận 7 đã đến 20.000 người nước ngoài thường trú.
Đáng chú ý, theo HoREA, phần lớn người nước ngoài thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore có xu hướng thuê nhà; Phần lớn người Trung Quốc, Đài Loan có xu hướng mua nhà; Người Hàn Quốc có cả nhu cầu mua hoặc thuê nhà.
"Người nước ngoài có xu hướng ở cùng nhau trong một tòa nhà hoặc trong cùng khu vực đô thị có nhiều tiện ích, dịch vụ, ví dụ: Người Hàn Quốc sinh sống nhiều ở phường Thảo Điền, quận 2 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7", HoREA cho hay.
Cuối năm 2018, Công ty CBRE đã công bố thống kê cho thấy lượng khách mua nhà tại TPHCM là người Trung Quốc đang tăng mạnh. Tiếp đó là người Hàn Quốc, Hồng Kông và Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng kết quả này không thực sự chính xác bởi đây chỉ là số liệu thống kê từ số lượng khách hàng của Công ty CBRE.
Hồi tháng 3 vừa qua, về tình hình người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, một báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, từ khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, có khoảng 750 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Số liệu này được bộ ghi nhận từ 12 địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có gần 400.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, thời gian tới, con số này sẽ gia tăng khi Việt Nam mở rộng hội nhập kinh tế, kéo theo nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng tăng lên.
Luật nhà ở 2014 quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chính do người nước ngoài không được cung cấp thông tin đầy đủ về các quy định pháp luật liên quan đến việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu nhà ở cho người nước ngoài được quy định trong nhiều luật, mỗi bộ, ngành phụ trách một lĩnh vực, không có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho người nước ngoài tìm hiểu thông tin mua nhà.
Theo Phương Dung/Dân trí