Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp bán lẻ cả trong và ngoài nước, nhưng thay vì cạnh tranh nhau bằng những siêu thị lớn, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ đang cạnh tranh với nhau bằng những cửa hàng tiện ích nhỏ bé.
Số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini một số thương hiệu tại Việt Nam. Số liệu tính đến tháng 6/2017 (nguồn: tổng hợp) |
Và cuộc chiến đang ngày càng nóng hơn với sự tham gia của 7-Eleven, thương hiệu bán lẻ đã nổi tiếng khắp thế giới.
7-Eleven, kẻ đến sau nhưng đáng gờm
Ngày 15/6, 7-Eleven sẽ khai trương cửa hàng tiện ích đầu tiên tại TP. HCM và cũng là đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng 7-Eleven đầu tiên tọa lạc tại tầng trệt tòa nhà Saigon Trade Center, ngay trung tâm thành phố. Trong năm nay, 7-Eleven dự kiến sẽ mở thêm 4 cửa hàng nữa tại TP. HCM. Và trong ba năm tới, số lượng cửa hàng mà 7-Eleven định mở ở Việt Nam sẽ lên con số 100. Con số này vẫn được cho là nhỏ nếu so với những chuỗi cửa hàng tiện ích khác đã hiện diện ở Việt Nam, nhưng theo thông tin từ hãng tin Nikkei của Nhật Bản, 7-Eleven sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.000 sau 10 năm tới.
7-Eleven Việt Nam là dự án kinh doanh được hợp tác bởi công ty con của 7-Eleven Nhật, có văn phòng tại Mỹ cùng Công ty Seven System Việt Nam. Việc 7-Eleven tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam được nhìn nhận như là một lời khẳng định quy mô của thị trường đã mở rộng rất lớn và tiềm năng sinh lời cũng tăng theo. Vì một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới như 7-Eleven sẽ không tiến vào một thị trường nào đó nếu như thị trường đó không được đánh giá cao. Tính đến cuối năm 2016, 7-Eleven đã góp mặt tại 17 quốc gia cùng 61.500 điểm bán hàng trên toàn thế giới.
Thực ra, thông tin về việc 7-Eleven tiến vào Việt Nam đã xuất hiện từ cách đây gần một năm và đã gây xôn xao trên thị trường Việt Nam. Thậm chí lúc đó còn có tin 7-Eleven dự định mua lại toàn bộ chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+, nhưng sau đó đại diện tập đoàn Vingroup đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên.
Mặc dù không tiến vào Việt Nam theo con đường M&A giống như nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác đã làm, với lợi thế của một thương hiệu mạnh toàn cầu như 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện ích này rất có thể nhanh chóng chiếm được thị phần lớn tại Việt Nam.
Lợi thế thuộc về... thị trường
Sự xuất hiện của 7-Eleven chắc chắn sẽ khiến cho cuộc đua trên thị trường bán lẻ nóng hơn rất nhiều, nhưng là sức nóng ở những cửa hàng tiện ích và siêu thị mini, chứ không phải ở những đại siêu thị hay trung tâm thương mại.
Ông Roberto Butragueño, Phó Giám đốc bộ phận dịch vụ bán lẻ thuộc Công ty Nielsen Việt Nam, cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang phát triển mạnh hai mô hình chính là cửa hàng tiện ích như B’smart, Circle K, FamilyMart và siêu thị mini như Co.op Food, Satra Food, Vinmart+.
Tính từ đầu năm tới nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam, với hơn 1 tỷ USD. Tính cả vốn đầu tư từ Đài Loan và Hồng Kông thì vốn đổ vào Việt Nam trong thời gian qua là 2,3 tỷ USD. |
Ông Roberto nhận định thêm rằng sự phát triển của hai mô hình này sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa rằng sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hiện tại đang nóng nhất ở phân khúc cửa hàng tiện ích và siêu thị mini. Và đó có lẽ cũng là lý do vì sao tập đoàn Casino Group và Metro Group đã rút khỏi thị trường Việt Nam nhưng lại không có nhà bán lẻ nước ngoài nào đang phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích rút lui.
Các con số về sự mở rộng chuỗi cửa hàng của các nhà bán lẻ cũng cho thấy điều đó. Vinmart+ đang là cái tên lớn nhất trên thị trường và đang đang sở hữu gần 1.000 cửa hàng tính đến cuối tháng 2/2017. Điều đáng nói là Vinmart+ chỉ gia nhập thị trường từ năm 2015. Theo thống kê đến khoảng tháng 2/2017, Vinmart+ đang có gần 1000 điểm bán trên toàn quốc. Mục tiêu Tập đoàn này đặt ra là con số gấp 3 lần - 3000 điểm tới 2018. Circle K đến từ Mỹ có khoảng 242 điểm bán, B’s mart có 159, Shop & Go có 121 và Family Mart cũng từ Nhật có khoảng gần 150 điểm, Ministop đang giữ số lượng thấp hơn với khoảng 80 điểm bán. Như vậy, cho dù có đạt mục tiêu dự kiến tới 10 năm sau thì bức tranh điểm bán với mô hình cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven, so với người dẫn đầu hiện tại vẫn đang có sự chênh lệch đáng kể.
Dường như lợi thế “2 tiếng đồng hồ có thêm 1 cửa hàng trên thế giới” của 7-Eleven đã không được Seven System Việt Nam xem là vũ khí. Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Thanh Năm cho rằng điều này khá dễ hiểu khi 7-Eleven không phải là nhà đầu tư trực tiếp mà thông qua nhượng quyền độc quyền. Theo đó, khả năng đầu tư công phá thị trường bằng số lượng điểm bán, tốc độ mở điểm với mọi giá để cạnh tranh từ mặt bằng đến giá cả sản phẩm... sẽ bị hạn chế.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, cho rằng khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, người tiêu dùng sẽ không muốn ghé đến cửa hàng tạp hóa truyền thống nữa. Họ mong muốn cửa hàng có các dịch vụ tiện ích khác ngoài mua sắm hàng hóa. Chính vì vậy, sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng tiện ích và siêu thị mini sẽ càng có dư địa để phát triển nhanh chóng, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng bán lẻ ở phân khúc này.
Tuy vậy, “người Việt chóng thích nghi cái mới, mà cũng nhanh chán”, CEO Ajinomoto Việt Nam, một chuyên gia đi lên từ chuyên ngành marketing từng nhận xét. Giới trẻ Việt đã từng chào đón tưng bừng Mc Donalds và Starbucks. Nhưng làm thế nào để giữ chân được người tiêu dùng dài lâu? Đường dài của mỗi nhà bán lẻ-phân phối tiêu dùng sẽ trả lời câu hỏi đó.
Mỹ Kiều / Diễn đàn Doanh nghiệp