Cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, Mobifone hiện chiếm hơn 95% thị phần viễn thông di động tại Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hutchison asia telecommunications (Hồng Kông) cùng Công ty Viễn thông Hà Nội vẫn quyết định đầu tư thêm 450 triệu USD để tiếp tục cùng Vietnamobile trụ lại tại thị trường Việt Nam. Thông điệp này trái ngược với kết quả kinh doanh của nhà mạng này trong thời gian gần đây: số lượng thuê bao của Vietnamobile giảm từ mức 15 triệu xuống còn 11 triệu hồi cuối năm ngoái.
Kiên nhẫn với cơ hội nhỏ
Thương hiệu Vietnamobile gắn với bà Elizabete Fong, vị cựu Tổng Điều hành “ngắt quãng” vì giữ chức vụ này tới 2 lần, hồi còn ở HT-Mobile và sau này là Vietnamobile. Bà là người đã dụng công thiết kế lại hình ảnh thương hiệu cho Vietnamobile với màu cam sôi động và may mắn. Bà Fong không còn ở Vietnamobile từ lâu, nhưng giấc mơ màu cam đến nay chưa thể thực hiện được. Thay thế bà Fong là ông Garmen Shaw, nhưng các hoạt động của Vietnamobile vẫn không khởi sắc. Nhà mạng này gần như “lặng sóng” kể từ năm 2013.
Cũng như Vietnamobile, 2 năm trở lại đây là sự im ắng của những nhà mạng nhỏ. Đây là những mạng tiên phong trong nhiều hoạt động, bao gồm giảm giá cước, dịch vụ 3G lẫn truyền thông đa phương tiện. Nhưng trong nhiều năm qua, thị trường cạnh tranh khắc nghiệt đến mức chỉ còn mỗi Hutchison Asia Telecommunications là kiên nhẫn với Vietnamobile, còn những nhà đầu tư nước ngoài khác đều đã rút khỏi những liên doanh nhà mạng. Có thể kể đến SLD Telecom (liên doanh giữa SK Telecom, LG Electronics và DongA Elecom) rời bỏ Sfone (Sfone gần như không còn hoạt động, hiện có tin sẽ sáp nhập vào đơn vị khác), VinpelCom (Nga) rút khỏi Beeline và sau này đổi tên thành G-Mobile, còn EVN Telecom (nhà mạng của Tập đoàn Điện lực) sáp nhập vào Viettel.
Cơ hội kinh doanh của những nhà mạng nhỏ là rất nhỏ, bởi họ phụ thuộc vào việc hạ tầng của những doanh nghiệp thống lĩnh, bị khống chế mức trần giá bán (quy định không được bán dịch vụ ở mức dưới giá thành)... Do đó, các nhà mạng nhỏ chủ yếu tận dụng khai thác thêm thị trường dịch vụ giá trị gia tăng, chứ không hy vọng nhiều vào việc phát triển thêm thuê bao.
Thị trường viễn thông Việt Nam đã bão hòa, với số thuê bao nhiều hơn dân số. Cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, Mobifone hiện chiếm hơn 95% thị phần viễn thông di động tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, doanh thu của 3 nhà mạng này cộng lại đạt hơn 360.000 tỉ đồng. Trước “thế chân vạc” này, việc Vietnamobile tăng vốn đầu tư khó làm thay đổi thị trường, hay nói cách khác chỉ là bước thăm dò hoặc giữ vững được thị phần ít ỏi. Bản thân các nhà mạng cũng nhìn thấy điều này và đang có những thay đổi lớn. Ngoài Vietnamobile, G-Mobile cũng đang có ý định tìm nhà đầu tư ngoại mới. Thông tin này vẫn chưa được G-Mobile công bố, nhưng con số 2 tỉ USD dự kiến cho thấy cổ đông hiện hữu của nhà mạng này lẫn cổ đông tiềm năng phải rất “dũng cảm” khi quyết định tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.
Đặt thêm cược lớn
Có thể nhận thấy xu hướng sắp tới các nhà mạng tập trung đầu tư là thế hệ mạng thứ 4, hay còn gọi là 4G. Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia, đây là thời điểm hợp lý để các nhà mạng Việt Nam nâng cấp lên 4G, hoặc LTE. Lý do là vì công nghệ đã ổn định và số lượng thiết bị đầu cuối tại Việt Nam hơn một nửa đã hỗ trợ 4G. Với tốc độ nhanh gấp 15 lần và độ trễ (tốc độ đáp ứng dịch vụ) thấp hơn nhiều so với 3G, dịch vụ 4G đang được Viettel, Mobifone và VinaPhone thử nghiệm rầm rộ từ đầu năm nay.
Với hơn 50% số người sử dụng dịch vụ 3G hiện tại, 4G hiện nay được xem là “đại dương” mới đối với những nhà mạng. Phát triển lên 4G liệu có là con đường mới dễ đi cho nhà mạng? Đặc biệt, chi phí nhà mạng trên từng MB với 4G sẽ thấp hơn 3G và 2G rất nhiều, có thể lên tới 95% (so với 2G). “Cung cấp 4G thì khả năng nhà mạng có lợi nhuận cao hơn”, ông Nam cho biết. Trong khi đó, việc triển khai thêm 4G không mấy khó khăn, bởi có thể cải tiến, thêm thắt phụ tùng ở những trạm phát sóng đã có sẵn.
Tuy nhiên, với những nhà mạng nhỏ, triển khai 4G vẫn sẽ khó khăn, đặc biệt là với Vietnamobile vẫn chưa phủ sóng 3G toàn bộ Việt Nam. Dù vậy, chiến lược của nhà mạng hiện nay là chỉ tập trung ở những khu vực đông dân cư trước (vì càng đông thì chi phí 4G càng rẻ).
Nếu xét về chiến lược kinh doanh, theo báo cáo khảo sát 40 nhà mạng toàn cầu của Ernst & Young năm 2015, chuỗi giá trị của ngành viễn thông có thể chia thành các mảng hoạt động: hạ tầng và nền tảng hoạt động, thiết bị, nhà mạng, các dịch vụ gia tăng (như OTT - tin nhắn trên nền internet, nội dung, quảng cáo) và cuối cùng là bán lẻ và phân phối. Trong chuỗi này, nhà mạng chiếm 55% về doanh thu. Ở Việt Nam, có thể thấy Viettel, Mobifone hay VinaPhone gần đây còn mở rộng thêm hoạt động về nội dung, phát triển thêm OTT cũng như lấn sang kênh bán lẻ, phân phối. Ngược lại, những nhà mạng nhỏ hơn vẫn loay hoay với chính sân chơi viễn thông có giá trị cao nhất trong chuỗi nhưng lại đang sở hữu thị phần thấp nhất.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là Vietnamobile đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần. Số vốn đăng ký là 1,25 tỉ USD, trong khi liên doanh này cho biết trước đây đã bỏ ra 1 tỉ USD để đầu tư. Như vậy, số vốn 450 triệu USD được công bố đầu tư trong thời gian tới một phần có thể sẽ phải đi vay. Mô hình công ty cổ phần, thay vì hợp đồng kinh doanh như trước đây, sẽ thuận lợi hơn cho Vietnamobile trong điều hành cũng như vay vốn làm ăn, hoặc để khuyến khích Hutchison Asia Telecommunications yên tâm đầu tư thêm tiền. Qua đó, Vietnamobile chờ cơ hội cung cấp các dịch vụ 4G, là thế mạnh của Hutchison, cũng như cơ hội gia tăng thuê bao với chính sách chuyển mạng giữ số MNP (Mobile Number Portability) dự kiến diễn ra vào năm 2017. Tuy nhiên, đi vay sẽ tạo áp lực rất lớn lên hoạt động kinh doanh cho Vietnamobile.
Công ty cổ phần cũng có một lợi thế quan trọng khác là chuyển đổi sở hữu dễ dàng hơn. Mới đây, thông tin bên lề cho thấy các vị trí quản lý ở Vietnamobile sắp tới sẽ có thay đổi. Cơ cấu cổ đông hiện nay ở Vietnamobile là Công ty Viễn thông Hà Nội giữ 50% và Hutchison giữ 49%, cuối cùng là bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông Hà Nội, giữ 1%. Trước kế hoạch thay đổi cơ cấu, Hanoi Telecom đặt ra mục tiêu từ năm 2016-2020 là trở thành tập đoàn viễn thông mạnh, có doanh thu tăng 20-30%/năm, thị phần Vietnamobile từ 15-20%/năm. Nếu đạt được con số này, Vietnamobile mới hy vọng giữ được sắc cam tươi tắn của mình sau bao năm khó nhọc.
Thanh Phong / nhipcaudautu.vn