Những sóng gió thời gian qua đã cho thấy kích cầu hay kìm nén lãi suất quá lâu đều để lại những hệ lụy.Ảnh: MINH KHUÊ
Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng khu vực phía Bắc vào tháng 9-2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ bãi bỏ việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngay khi đủ điều kiện. Thời điểm đó ông Bình mới nhận chiếc ghế nóng và ông có “phân trần” rằng áp đặt trần lãi suất chỉ là việc cực chẳng đã. Gần năm năm trôi qua, hệ thống ngân hàng đã có những chuyển biến nhưng việc “cực chẳng đã” ấy vẫn chưa được dỡ bỏ.
Vì sao chưa bỏ trần lãi suất?
Tuy Thống đốc cũng như NHNN chưa bao giờ giải thích lý do của việc này, song nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ, có thể lý giải từ một số yếu tố liên quan như sau.
Giả thiết thứ nhất, để kìm các ngân hàng yếu chạy đua lãi suất. Bước vào năm 2011, hệ thống ngân hàng ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Khi đó Chính phủ còn chưa có chủ trương cho phép các tổ chức tín dụng yếu kém được phá sản. Hẳn nhiên đây là một quyết định chính trị và nó được giao cho NHNN. Phát đi tín hiệu cho thấy Chính phủ không để các tổ chức tín dụng phá sản đồng nghĩa với việc làm méo mó thị trường, nguồn tiết kiệm quý báu không được phân bổ một cách hiệu quả, chưa kể vấn nạn “đi đêm” và các hệ lụy của nó. Bấy giờ, trần lãi suất linh hoạt có thể là cách để hạn chế chạy đua lãi suất không lành mạnh.
Giả thiết thứ hai là NHNN, thông qua trần lãi suất, muốn “dìm” mức lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng giai đoạn 2011-2013. Chưa bàn đến quyền lợi của người tiết kiệm vốn đã khốn khó trong thời kỳ lạm phát, trần lãi suất sẽ hạn chế tiết kiệm và thay vì dùng giải pháp tốt nhất giúp thị trường lập lại thế cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư thì NHNN dùng trần lãi suất với ý đồ hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng thực tế không thể hỗ trợ doanh nghiệp mãi vì chúng ta không đủ nguồn lực còn các doanh nghiệp cũng đã tăng trưởng trở lại. Cuối năm 2015, Thống đốc đã phát biểu rằng chỉ có thể cố gắng duy trì mức lãi suất như hiện tại trong năm 2016 cùng với việc tránh cam kết về tỷ giá. Tuy nhiên, Thống đốc tuyệt nhiên không đả động gì đến trần lãi suất và thị trường hiểu đó cũng là thông điệp rằng NHNN muốn nấn ná duy trì nó.
Giả thiết thứ ba, duy trì trần lãi suất để “đỡ” cho ngân sách trong việc vực dậy các ngân hàng. Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, trong một hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Vương Đình Huệ đã thẳng thắn phát biểu rằng để cứu ngân hàng khỏi vũng lầy nợ xấu kiểu gì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ra. Tuy nhiên, sau đó quyết tâm chính trị của Chính phủ là không dùng ngân sách để giải cứu các ngân hàng.
Vì không dùng ngân sách nên VAMC được sinh ra như một cách “nhốt kho” nợ xấu. “Nếu mục đích của tôi là giải cứu các ngân hàng, tôi sẽ đề xuất được dùng ngân sách. Vậy phải chăng trần lãi suất đã được duy trì với một mục đích khác là hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng có thêm lợi nhuận để khắc phục nợ xấu?”, một chuyên gia đặt câu hỏi. Nếu giả thiết này đúng thì thực chất đó là một khoản thuế đánh trên tiền gửi và qua đó ngân sách được phân bổ trở lại giúp các ngân hàng.
Các ngân hàng nghĩ gì?
“Không nên dỡ bỏ ngay trần lãi suất tại thời điểm này nhưng nên xem xét thực hiện trong năm 2016. Để trần lãi suất thời gian qua đúng là biện pháp hành chính song trong thời điểm chúng ta đang phẫu thuật các ngân hàng thì nó có tác dụng kiềm chế một số ngân hàng nhỏ vì khó khăn nhất thời mà làm rối loạn thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người dân”, lãnh đạo một ngân hàng bình luận, “Ví dụ có ngân hàng yếu cần gấp 100.000 tỉ đồng và căng ngay thông báo huy động lãi suất 7%/năm thế là người dân lập tức rút tiền từ ngân hàng lớn chạy qua. Chúng tôi vì thế mà khốn đốn”.
Ông này cho rằng nếu các ngân hàng nhỏ không còn khó khăn nhất thời mà làm rối loạn huy động, phá bĩnh thị trường thì chưa nên mở trần lãi suất. Nhưng khi tất cả ngân hàng đã ở trạng thái lành mạnh tương đối họ sẽ tính toán làm sao để giá vốn vừa theo thị trường vừa có hiệu quả cao nhất chứ không ai dại gì nâng lãi suất lên, trừ những ngân hàng quá thiếu tiền. Cơ chế hành chính là cần thiết trong một số thời điểm gay go nhưng nó cần bỏ đi khi những người chơi trên thị trường đã tốt lên và nền kinh tế cũng mạnh lên thực sự.
Ở thời điểm này, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên cho rằng người làm ngân hàng cảm thấy thời điểm bĩ cực nhất đã qua và đã đến lúc giải quyết rốt ráo phần tồn đọng ở những ngân hàng yếu kém. Và vì đã trải qua những ngày xuống đáy nên các ngân hàng cũng sẽ quen hơn với các thay đổi lớn, biết liệu cơm gắp mắm hơn.
Lý do thứ hai, theo đại diện một ngân hàng khác, bỏ trần lãi suất hay không liên quan chặt chẽ đến tỷ giá và lạm phát cũng như chính sách cung tiền. Nếu năm nay khả năng vẫn phải phá giá tiền đồng hơn 5% nữa (mà áp lực rất cao) thì bỏ trần lãi suất phải được tính từ từ. Nếu bỏ ngay thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động, gây ra cuộc đua lãi suất và quan trọng hơn là tín dụng không tăng trưởng được. Vì thế, cơ quan quản lý nên quan sát thị trường và làm khi đủ điều kiện.
Điều kiện đó là gì? Là các ngân hàng hồi phục ở mức độ nhất định để không phải làm liều nữa. Với các cơ chế giám sát đã chặt chẽ, hiện nay các ngân hàng đã cơ bản nằm trong sự kiểm soát của NHNN. Thứ hai, về góc độ kinh doanh, bản thân các ngân hàng khi thực sự muốn làm ăn lâu dài đều muốn duy trì lãi suất tiền gửi thấp trước tiên vì chẳng ai muốn mua hàng (nhận tiền gửi) với giá cao và rồi lại đem đi bán (cho vay) với giá cao hơn thế. Tức chẳng ngân hàng nào đủ tốt lại thích chạm trần lãi suất hay đại loại làm gì đó để lãi suất huy động cao hơn.
Một giai đoạn tăng trưởng tiền tệ nóng, như đã diễn ra trong giai đoạn 2006-2008, tự nhiên sẽ kéo theo một giai đoạn tiết kiệm cưỡng bức. Nền kinh tế sau đó tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng lên để khuyến khích tiết kiệm. Thắt lưng buộc bụng mới là con đường duy nhất để thiết lập lại cân bằng của thị trường. Những sóng gió thời gian qua đã cho thấy kích cầu hay kìm nén lãi suất quá lâu đều để lại những hệ lụy.
Năm năm qua là quãng thời gian khá dài để nền kinh tế thực hiện chương trình tiết kiệm bắt buộc và các điều chỉnh cần thiết khác. Hoàn thành giai đoạn 1 đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng yếu kém đã lần lượt được tái cơ cấu, thanh khoản của hệ thống, nguồn cơn của chạy đua lãi suất, đã được cải thiện. Bước vào giai đoạn 2 của đề án, Chính phủ đã thông báo về khả năng cho phép các tổ chức tín dụng yếu kém được phá sản. Đó chính là căn cứ để xem xét sớm dỡ bỏ trần lãi suất. Cái gì của thị trường thì phải trả lại cho thị trường.
Hồng Phúc / thesaigontimes.vn