Đồng Nai hiện quy hoạch được 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 1.502 ha. Nhiều năm nay, tỉnh đã tích cực trong mời gọi đầu tư vào các CCN, song nhiều DN vẫn e ngại. Để thu hút đầu tư vào CCN, Đồng Nai đã và đang có những chính sách “nới lỏng” trong mời gọi đầu tư.
Nhiều ưu đãi
Mục tiêu của Đồng Nai là quy hoạch các CCN dành cho các DN nhỏ và vừa, trong đó tập trung phát triển hạ tầng CCN kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 189/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nhằm tạo mặt bằng thu hút các DN nhỏ và vừa, các DN thuộc diện di dời khỏi các khu đô thị các khu dân cư tập trung, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, riêng đối với DN nhỏ và vừa khi thực hiện dự án di dời vào CCN sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng là 30.000/m², tính theo diện tích thuê lại của chủ đầu tư hạ tầng CCN, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với DN vừa, không quá 150 triệu đồng đối với DN nhỏ và không quá 60 triệu đồng đối với hộ kinh doanh. Song song đó, mỗi địa phương cấp huyện được Quỹ Phát triển tỉnh ứng vốn giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho CCN. Riêng chủ đầu tư CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN bao gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước với mức 20 tỷ đồng/CCN, đối với CCN diện tích nhỏ hơn 30ha sẽ là 15 tỷ đồng. Dự kiến, tổng kinh phí ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển CCN trong giai đoạn 2016-2020 trên 448 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát, điều chỉnh và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Vẫn khó khăn trong mời gọi đầu tư
Là một trong số những CCN thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, CCN Phú Thạnh (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) hiện đã lắp đầy với tỷ lệ 100% doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số khó khăn, đó là hệ thống đường 25C vẫn chưa đấu nối vào CCN, ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải tại đây vẫn chưa được xây dựng, gây khó khăn cho các DN đang hoạt động.
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư hạ tầng các CCN còn nhiều khó khăn, phức tạp và kéo dài, nhất là thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho CCN. Một số CCN gặp khó về thu hút vốn đầu tư hạ tầng các CCN do chi phí đầu tư lớn, suất đầu tư cao, trong khi diện tích tối đa CCN chỉ là 75ha nên hiệu quả đầu tư thấp, không hấp dẫn chủ đầu tư. Năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế nên việc triển khai đầu tư hạ tầng chậm, xúc tiến mời gọi DN thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh còn khó khăn... Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào CCN.
Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư CCN để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Để thu hút DN nhỏ và vừa vào các CCN, cần khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng cho các DN thứ cấp thuê. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung rà soát nhu cầu thực tế của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn để tránh tình trạng đầu tư hạ tầng CCN rồi không có nhà đầu tư thứ cấp”.
Ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai: Sở đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN, cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN trên địa bàn tỉnh. |
Ngọc Hân / baocongthuong.com.vn