Cuộc chạy đua trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ có sự thay đổi nếu Tiki và Sendo về chung một mái nhà trong năm 2020. Thay cho cuộc “so găng” giữa bộ tứ Shopee - Tiki - Lazada - Sendo sẽ là cuộc cạnh tranh của bộ ba Tiki - Sendo cùng với Shopee và Lazada.
Khi các “đại gia” TMĐT lên tiếng
Bản đồ thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh chóng khi lần lượt nhiều trang web, sàn TMĐT rời bỏ cuộc chơi hoặc bị thâu tóm hoặc sáp nhập bởi các công ty trong và ngoài nước. Gần đây nhất là thương vụ sáp nhập (chưa chính thức) giữa Tiki và Sendo sau khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt tay với nhau.
Trong các doanh nghiệp TMĐT dẫn đầu về lượt truy cập trang web trong quý 1-2020 đã không còn thương hiệu Adayroi.com (từng nằm trong nhóm dẫn đầu năm 2019). Đồ hoạ: Chí Thịnh. Nguồn: iPrice Group
TMĐT dù lỗ vẫn đầu tư mạnh
Cuối năm 2019, thị trường TMĐT Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của hàng loạt trang web bán lẻ trực tuyến nhưng các nhà đầu tư vẫn mạnh dạn rót vốn cho mảng kinh doanh này.
Trong tháng 11-2019, sàn TMĐT Sendo nhận thêm khoản đầu tư trị giá 61 triệu đô la Mỹ cho vòng gọi vốn Series C. Trước đó, vào tháng 6, Tiki cũng huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu nhưng không công bố số vốn đầu tư cụ thể. Sau lần gọi vốn này, hai cổ đông chính của Tiki vẫn là VNG và JD.com.
Cuộc chơi trong lĩnh vực TMĐT dường như đang bị dẫn dắt bởi những tập đoàn nước ngoài như Alibaba, SEA, JD.com, Softbank... Họ đang nắm trong tay những sàn TMĐT, trang web kinh doanh trực tuyến lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… với quyền sở hữu hoặc chiếm số cổ phần lớn trong các doanh nghiệp này.
Hoạt động thâu tóm, mua lại cổ phần (M&A) trong lĩnh vực TMĐT đã diễn ra từ năm 2013 với thương vụ nhommua.com sáp nhập cùng với cungmua.com. Cả hai trang web này hoạt động theo mô hình TMĐT mua theo nhóm (groupon). Đây được xem là một trong những vụ sáp nhập doanh nghiệp TMĐT đáng chú ý nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Sau đó, tới năm 2014 thì diễn ra vụ FPT thâu tóm trang TMĐT 123mua.vn của VNG; việc mua lại 123mua.com là nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho sàn TMĐT sendo.vn (thuộc FPT). Khi đó, FPT cho biết, mục tiêu của tập đoàn là sở hữu trang TMĐT có nhiều giao dịch nhất theo mô hình mua bán đảm bảo.
Tiếp tục cho tới năm 2016 lại diễn ra sự kiện M&A nổi đình đám là Alibaba mua lại sàn TMĐT Lazada ở khu vực Đông Nam Á (bao gồm Lazada Việt Nam) với con số một tỉ đô la Mỹ. Với thương vụ này, Alibaba đã thâu tóm hoạt động kinh doanh của Lazada ở sáu thị trường Đông Nam Á.
Cũng trong năm 2016, Central Group cũng thành công trong việc mua lại trang web TMĐT zalora.vn (thông qua Công ty Thương mại Nguyễn Kim) và đổi tên thành ronbins.vn. Vào thời điểm đó, Central Group nắm 49% số cổ phần của chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim.
Theo sự nhận định từ các chuyên gia TMĐT, các thương vụ M&A trong lĩnh vực này chủ yếu đến từ những tập đoàn công nghệ hoặc kinh doanh bán lẻ như Alibaba, Central Group, JD.com… Họ tiến hành các thương vụ M&A để nắm quyền sở hữu hoàn toàn hoặc mua lại cổ phần để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Mục tiêu của các tập đoàn này là thông qua hoạt động thâu tóm, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp TMĐT nội địa để thâm nhập thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian ngắn. Những mục tiêu lần lượt trong 4-5 năm qua là các thương hiệu hàng đầu trong mảng TMĐT của Việt Nam như Lazada, Zalora, Tiki, Shopee…
Phần lớn các thương vụ M&A trong lĩnh vực TMĐT được tiến hành theo phương thức sáp nhập và mua lại. Hoạt động thâu tóm dưới hai hình thức này đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn nước ngoài thâm nhập mạnh hơn vào thị trường TMĐT Việt Nam thông qua thương hiệu quen thuộc của doanh nghiệp TMĐT nội địa.
Trang TMĐT Adayroi.com phải sáp nhập về với hệ sinh thái số VinID từ cuối năm 2019. Ảnh: DNCC
Hàng loạt trang TMĐT rời cuộc chơi
Vào cuối tháng 3-2019, trang TMĐT Robins (robins.vn) bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Trang TMĐT robins.vn tiền thân là trang bán hàng online nổi tiếng zalora.vn, sau đó được Central Group mua lại từ Rocket Internet và đổi tên thành robins.vn. Theo số liệu của iPrice Group, trang web TMĐT chuyên bán hàng thời trang robins.vn có số lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt/tháng trong quý 4-2018.
Trước đó, vào cuối năm 2018, trang TMĐT vuivui.com của nhà bán lẻ Thế giới Di động cũng tuyên bố ngừng hoạt động sau hai năm vận hành bán hàng online theo mô hình bách hóa. Vuivui.com là trang TMĐT hoạt động theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được Thế giới Di động thành lập từ năm 2017.
Trong năm 2019 còn có thêm sự kiện Tập đoàn Vingroup công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ. Trang TMĐT adayroi.com được sáp nhập vào hệ sinh thái số VinID, thời hạn hoàn tất là hết tháng 12-2019.
Sau khi adayroi.com sáp nhập vào VinID, đến lượt trang TMĐT lotte.vn - trang TMĐT chính thức tại Việt Nam của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)tuyên bố ngừng hoạt động bán hàng từ cuối tháng 2-2020, trang này sẽ được sáp nhập vào speedl.vn (thuộc nhà bán lẻ Lotte Mart).
Hoạt động đầu tư vào các trang TMĐT Việt Nam được đánh giá là cực kỳ hấp dẫn nhưng nhà đầu tư phải chấp nhận “đốt tiền” để thu hút khách hàng và cạnh tranh vị trí dẫn đầu thị phần bán lẻ trực tuyến. Nhà đầu tư buộc phải liên tục rót vốn và điều này chỉ khả thi với nguồn vốn được rót từ những tập đoàn lớn của nước ngoài.
Nói về sự khốc liệt của thị trường TMĐT, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng, cũng không thể biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi nhưng chắc chắn cuộc chiến “đốt tiền” giữa các doanh nghiệp TMĐT vẫn sẽ tiếp diễn.