Giảm liên tiếp trong nhiều ngày trở lại đây, có thời điểm lùi xuống dưới ngưỡng 33,5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá thế giới vài trăm nghìn đồng/lượng. Thị trường vàng im ắng, giá vàng trong nước không còn "bỏ rơi" giá thế giới, khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng "cuộc chiến" giá vàng đã kết thúc, nhà đầu tư đã thờ ơ với vàng?
Ảnh minh họa.
Thị trường bình ổn
Không còn những ngày lên, xuống thất thường, từ đầu năm đến nay thị trường vàng trong nước khá bình ổn. Thời điểm đầu năm, chịu tác động mạnh từ đà lao dốc của giá thế giới, giá vàng trong nước đã xuống dưới ngưỡng 33 triệu đồng/lượng. Nhưng khoảng cách giá giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, gần 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng không neo ở ngưỡng thấp trong thời gian dài mà tăng trở lại trong những ngày sau đó. Song khác với những thời điểm trước, giá vàng trong nước không tăng nhanh như giá thế giới, khiến khoảng cách giữa 2 thị trường dần bị xóa bỏ. Chênh lệch giữa 2 thị trường lùi dần xuống 3 triệu đồng/lượng, 2 triệu đồng/lượng, có thời điểm giá trong nước thấp hơn thế giới.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá vàng liên tục biến động, tăng giảm thất thường. Nếu như phiên đầu tiên của tháng 5, giá vàng đạt 33,95 triệu đồng/lượng, đến giữa tháng 5, giá vàng đạt 34,25 triệu đồng/lượng. Đà tăng của giá vàng thế giới khiến thị trường trong nước khó đứng yên, bởi giá thế giới từ 1.260 USD lên 1.285 USD/ounce. Như trong những phiên cuối tháng, giá vàng thế giới lại "lùi" xuống 1.224 USD/ounce, đẩy giá trong nước về dưới ngưỡng 33,5 triệu đồng/lượng. Bất chấp sự biến động không ngừng của giá vàng, giao dịch trên thị trường trong nước vẫn "im hơi, lặng tiếng", ngay cả tại cửa hàng của những tên tuổi nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, Doji... số người đến mua vàng vẫn thưa thớt.
Nhà đầu tư thờ ơ
Sự thờ ơ của nhà đầu tư được coi là nguyên nhân khiến thị trường này trầm lắng, giá vàng trong nước cũng vì thế mà không còn bỏ xa giá thế giới như trước. Cụ thể, trong những phiên giao dịch cuối tháng 5, giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh, từ 1.251 USD/ounce đã lùi xuống 1.242 USD/ounce, rồi 1.224 USD/ounce, còn giá trong nước cũng được điều chỉnh từ 33,95 triệu đồng/lượng xuống 33,47 triệu đồng/lượng. Riêng ngày 26-5, nếu quy đổi giá vàng thế giới ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ còn gần 400 nghìn đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Theo bà Hoàng Phương, chủ một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Hàng Bạc, vàng là tài sản phi lãi suất nên nếu môi trường lãi suất cao hơn sẽ khiến vàng mất giá. Giá vàng giảm, nhưng thị trường giao dịch vẫn cầm chừng. Các nhà đầu tư đều đang ở thế phòng thủ và họ chưa sẵn sàng tham gia thị trường trong thời điểm có nhiều diễn biến phức tạp như vậy. Bởi thế, các nhà đầu tư có xu hướng phán đoán và quyết định chậm lại để chờ cơ hội thích hợp hơn. Bà Phương cũng cho biết, tại cửa hàng của bà số người đến cửa hàng để mua vàng ít, khác hẳn với những năm trước.
Vậy, tại sao khi giá vàng tăng cao, vượt xa giá thế giới tới 5-6 triệu đồng/lượng, người dân vẫn đua nhau mua, còn khi giá trong nước xuống thấp hơn giá thế giới, người dân lại thờ ơ? Thực tế này cho thấy, vàng không còn là kênh đầu tư ưu tiên. Trước đây, do kỳ vọng về cơ hội "lướt sóng" để thu lời, tranh thủ sự biến động của giá vàng, nhiều người đã tranh thủ mua vào. Một lý do quan trọng hơn là lo ngại về nền kinh tế, cũng như giá trị của VND, nhà đầu tư tìm đến vàng để bảo toàn nguồn vốn, nhưng khi nền kinh tế hồi phục, VND ổn định, cộng với thị trường đã có nhiều kênh khác để lựa chọn như bất động sản, chứng khoán... đã khiến vàng bớt hấp dẫn. Việc nhà đầu tư không còn lựa chọn vàng được coi là tín hiệu lạc quan cho mục tiêu xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế của cơ quan chức năng. Có thể khẳng định, những biện pháp từng bị coi là mạnh tay khi trao vị trí độc quyền cho vàng SJC, tổ chức các phiên đấu thầu vàng... đến nay đã thực sự mang lại hiệu quả cho thị trường vốn có nhiều xáo động này.
Mặc dù lượng người đến mua vàng không nhiều, nhưng không ít người cho rằng, vẫn còn một lượng lớn vàng trong dân. Vậy có nên triển khai sàn giao dịch vàng để "hút ngược" lượng vàng từ dân, tận dụng nguồn vốn này cho các mục tiêu phát triển kinh tế? Đây là một việc không đơn giản, bởi trên thực tế không thể đưa ra một con số chính xác về lượng vàng đang có trong dân. Hơn nữa, sàn giao dịch vàng hoạt động không khác gì thị trường chứng khoán, chủ yếu chỉ là "lướt sóng", nên cũng dễ mang lại rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu như trước đây thị trường vàng có nhiều biến động, lập sàn vàng là cần thiết, nhưng trong điều kiện thị trường ổn định như hiện nay, không có lý do gì để khuấy động thị trường.
(Theo Báo Hà Nội Mới)