Dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có lợi thế về tài chính, nhưng các công ty nội địa không lùi bước...
Đến năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ có quy mô 179 tỷ USD.
Cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và trong nước trên thị trường Việt Nam đang ngày một nóng lên, đó là những nhận xét được đưa ra trong một bài bình luận mới đây trên báo Nikkei, Nhật bản.
Phóng viên Nikkei mô tả, tại một góc nhỏ trên con phố cổ thuộc khu vực 36 phố phường trung tâm Hà Nội, nhiều người tiêu dùng đang ra vào một cửa hàng nhỏ cố tên VinMart+. Bên trong cửa hàng bày bàn đủ các loại hàng hóa thiết yếu, từ thực phẩm cho đến đồ uống, rau, hàng văn phòng phẩm, đồ chơi.
Một số khách hàng cho biết họ thích những cửa hàng tiện lợi này bởi không phải lo lắng về chỗ đỗ xe, không phải xuống hầm gửi xe như tại các trung tâm thương mại.
Tập đoàn Vingroup bắt đầu gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam vào tháng 10/2014 và bắt đầu mở chuỗi cửa hàng tiện lợi từ khoảng giữa năm 2015. Hiện nay Vingroup đang nắm trong tay 880 cửa hàng tại Hà Nội, Tp.HCM và từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục mở mới 10.000 cửa hàng nữa.
Chuỗi cửa hàng quần áo Canifa cũng bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động từ năm 2014. Phong cách bài trí và sản phẩm của Canifa đôi khi khiến người tiêu dùng nghĩ đến Uniqlo, công ty kinh doanh quần áo bình dân nổi tiếng của Nhật.
So với thương hiệu Uniqlo của Nhật, hàng Canifa quá rẻ. Nhưng so với thu nhập trung bình của người Việt Nam, giá sản phẩm của Canifa còn khá cao. Canifa hiện đã có hơn 70 cửa hàng trên khắp Việt Nam.
Trước đây, nếu muốn mở một cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải giải quyết khá nhiều thủ tục rắc rối, lằng nhằng. Cơ quan quản lý sẽ đánh giá xem việc có thêm một cửa hàng ở khu vực đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh như thế nào. Tiêu chí đánh giá đôi khi không rõ ràng khiến không ít doanh nghiệp mệt mỏi.
Nhưng các nhà chức trách Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh về luật giúp các công ty bán lẻ “dễ thở” hơn.
Theo Nikkei, những thay đổi quan trọng bắt đầu diễn ra từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực minh bạch hóa thị trường và nới lỏng các quy định áp dụng với doanh nghiệp mới.
Tháng 5/2016, chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp mở mới các cửa hàng có diện tích dưới 500 m2 mà không cần phải xin cấp phép. Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm nay.
Khi mà tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày một đông đảo và giàu có hơn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội để vào thị trường.
Tính toán của một tổ chức trong ngành cho thấy hiện quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam ước khoảng 109,8 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với 5 năm trước đây. Đến năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có quy mô 179 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư Nhật đã và đang có kế hoạch vào Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Tp.HCM vào năm 2014. Từ đó đến nay, Aeon đã có thêm 3 trung tâm thương mại tại Hà Nội và một số địa phương khác.
7-Eleven cũng sẽ mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2018. Dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có lợi thế về tài chính, nhưng các công ty nội địa không lùi bước.
Vingroup đang tận dụng tối đa những thế mạnh trong lĩnh vực bất động sản để giành thị phần ngành bán lẻ. Chủ tịch tập đoàn này, ông Phạm Nhật Vượng, khẳng định rằng tập đoàn cần phải thâu tóm những vị trí đắc địa trước khi các công ty nước ngoài đổ xô vào thị trường.
Thậm chí, Vingroup cũng tuyên bố họ chấp nhận chịu lỗ ban đầu với khoảng 30% các cửa hàng.
Từ nay đến cuối năm 2019, Vingroup có kế hoạch mở mới 400 trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng. Doanh thu từ ngành bán lẻ hiện đang chiếm 20% tổng doanh thu tập đoàn, Vingroup đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đó lên mức 50% chỉ sau vài năm nữa.
Những công ty bán lẻ nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Công ty Bác Tôm với chuỗi cửa hàng bán rau hữu cơ cũng đang rất cố gắng thu hút thêm nhiều người tiêu dùng trung lưu vốn đang rất lo lắng về an toàn thực phẩm.
Với hệ thống cung cấp bao gồm 200 nông dân và 27 cửa hàng bán lẻ, công ty này tỏ ra có sức hút đối với những người tiêu dùng thích mua sắm tại các chợ truyền thống.
Nikkei nhìn nhận, dù tiềm năng như vậy nhưng hệ thống vận chuyển hàng hóa của Việt Nam vẫn còn đối diện nhiều vấn đề. Phố phường nhỏ hẹp và thường xuyên ách tắc. Hệ thống phân phối kém hiệu quả, năng lực vận chuyển hàng hóa đông lạnh gần như không có.
Và trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có thể dễ giải quyết vấn đề này hơn, doanh nghiệp nội địa chắc chắn sẽ còn nhiều lúng túng.
Khánh Ly / VnEconomy