Người nuôi tôm ngày càng khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, buộc các DN SX giống phải đồng loạt áp dụng chính sách khuyến mại để tiêu thụ...
Người nuôi tôm ngày càng khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu , buộc các DN SX giống phải đồng loạt áp dụng chính sách khuyến mại để tiêu thụ, từ việc mua 1 tặng 30%; 50% rồi 100% khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt, không có hồi kết.
Thi nhau khuyến mại
Điều này cho thấy nguồn cung ứng tôm giống (post) hiện nay rất dồi dào phong phú, không còn hiện tượng sốt “nóng”, “lạnh”, như những năm trước đây mỗi khi bước vào vụ tôm .
Trong khi đó, điều nghịch lý là số lượng các DN SX tôm post đã và đang giảm theo từng năm. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 5/2016, cả nước có 1.750 DN SX giống tôm, bao gồm 1.240 trại tôm sú và 510 trại tôm thẻ chân trắng (TTCT). So với năm 2013 giảm đến 900 trại, còn năm 2015 thì giảm ít hơn có 9 trại, trong đó đứng đầu SX tôm giống vẫn là hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, với trên 600 DN.
Hàng năm, tại đây cung cấp trên 50% số lượng tôm giống cho nhu cầu thả nuôi vùng ĐBSCL. Với 600 DN SX giống vị chi có hàng trăm tên thương hiệu tôm post khác nhau, nên tại nhiều vùng nuôi tôm ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, đang có nhiều DN tôm giống miền Trung “tấn công” vào các ao tôm với các chiêu thức bán hàng thông qua các “trại dèo” (người dân gọi đại lý) nằm rải rác khắp các ấp, xã vùng sâu, vùng xa và nơi đây là nơi trung chuyển từ tôm post của DN đến tận các ao tôm với giá bán vô chừng, có thể 60 đồng; 80 đồng; 90 đồng, 120 đồng/con...
Tôm post sau khi thuần dưỡng tại các Trại dèo trước khi mang bán cho các ao tôm
Đối với các ao nuôi mô hình thâm canh (mật độ thả trên 60 con/m²) thì đa số thích dùng hàng tôm post có giá cao 90 đồng trở lên vì “có đắt cũng xắt ra miếng”; còn các ao bán thâm canh (30-60 con/m²) và quảng canh (dưới 30 con/m²) có khuynh hướng sử dụng giống tôm có giá cả phải chăng, thậm chí 50 đồng/con cũng được như các ao tôm quảng canh.
Nói về đặc điểm của trại dèo, bà Nguyễn Thị Diệu, Phó phòng Thú y Thủy sản (Chi cục Thú y Long An) cho biết, mỗi trại dèo có từ 3-5 bể nuôi, diện tích mỗi bể rộng vài chục mét vuông.
Các chủ trại dèo thường nhập tôm giống (post) của DN SX ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau khi về địa phương, phải xuất trình đầy đủ giấy tờ kết quả xét nghiệm virus đốm trắng, vi khuẩn hội chứng hoại tử gan tụy của nơi SX xác nhận, từ đó trạm thú y huyện mới xuống lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tiếp chỉ tiêu ký sinh trùng, nấm gây bệnh phát sán.
Chỉ khi cơ quan chức năng của nơi nhập về xác nhận tôm post sạch bệnh thì các chủ trại dèo mới được đưa về các bể nuôi thuần dưỡng ít nhất 24h-48h nhằm hạ độ mặn để cho tôm khỏe, ổn định môi trường rồi mới đem xuất bán cho dân.
Giống tôm post đang được các DN bán khuyến mại từ 30%; 40%; 50% ; 100 % ( mua 1 tặng 1)
Như vậy, có thể nói qui trình kiểm tra chất lượng con tôm post hiện nay rất chặt chẽ, ngay từ lúc tôm xuất khỏi nơi SX (đầu ra) cho đến tại nơi nhập về (đầu vào).
Thế nhưng, theo ông Võ Tạo, hộ nuôi ở xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, vừa thả 50 ngàn con tôm post trên 1.000m² (mô hình bán thâm canh) vào cuối tháng 6 với giá mua 95 đồng/con của đại lý H.T (trại dèo) có khuyến mại thêm 50%: Sau một tuần lễ thì tôm post chết yểu “không còn một con”. “Tức quá, tui kêu đại lý H.T đến kiểm chứng, họ xác nhận rồi gọi cho DN cung cấp giống ở Vũng Tàu là Cty V.A bồi thường lô post khác. Nay thả hơn 10 ngày, thấy thưa quá. Nhưng không chỉ có tui, còn nhiều người nữa nghen”.
Quản lý kiểu nào cũng... lọt!
Chúng tôi đến huyện Cần Đước, tỉnh Long An, để tìm hiểu. Tại đây đang có DT tôm vụ 2 gần 200 ha (tính từ đầu tháng 6 đến nay) gồm 24 trại dèo rải đều khắp các xã gồm Tân Chánh, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Phước Đông, Tân Ân... Bình quân mỗi trại dèo cung cấp khoảng 70-100 triệu post/năm cho các hộ nuôi tôm, vị chi nhu cầu ít nhất 1,5 tỷ tôm post/năm.
Thế nên, hiện có rất nhiều DN tôm giống ngoài tỉnh đổ vào địa phương thông qua các trại dèo. Ngoài các thương hiệu lâu nay như CP, Thông Thuận, Nam Miền Trung, Anh Việt, Đại Nam, Việt Đức, còn có nhiều DN khác như Đông Phát Thành, Đại Thịnh, Đông Thành, Trường Thịnh, Việt Thắng, Đại Thắng, Thông Thảo, Nam Mỹ, Vương Anh Khương... đang bán tôm post bằng chính sách khuyến mại, thấp nhất 30%, cao nhất đến 100%, tức “mua 1 tặng 1”.
Tôm post sau khi thả nuôi được 10 ngày
Ông Trần Hải Âu, chủ trại dèo H. đặt tại ấp 5, xã Tân Ân cho biết, để không “đụng hàng”, mỗi trại dèo phân phối cho khoảng 2-3 DN. Như vậy, ở địa phương đang có hàng chục thương hiệu tôm post cạnh tranh quyết liệt về giá cả và “so kè” chất lượng. Hai năm trước, nuôi tôm thẻ chân trắng còn dễ, giá một con tôm post bán ra 90 đồng nhưng không khuyến mại, còn bây giờ cũng bán ra 90 đồng, còn phải khuyến mại 30%; 50%; 100% tức giá bán thực bằng phân nửa.
– Vậy giá vốn thật của 1 con tôm post hiện là bao nhiêu? - Tôi đặt câu hỏi.
- Giá vốn là của từng DN, họ giấu không biết được. Tụi này là đại lý, hưởng 10 đồng/đầu con, 1 năm bán tốt khoảng 100 triệu post kiếm được 1 tỷ đồng, trong đó chi phí 200 triệu đồng bao gồm tiền đóng bao vận chuyển ra ao (tôm), thức ăn Actimi trong quá trình thuần dưỡng”, ông Âu nói.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, nơi có trên 150 DN SX tôm giống, tôm bố mẹ sau khi nhập về chỉ sử dụng tối đa 3-6 tháng, nếu sử dụng lâu, con giống sẽ giảm chất lượng, tức ảnh hưởng đến các hộ nuôi.
Xử lý ao trước khi thả tôm post
Ông T.V, chủ DN SX tôm giống ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong chuyên cung cấp tôm post cho các tỉnh miền Tây nay đã giải nghệ cho biết, trại giống của ông SX khoảng 70 triệu con post tôm thẻ/năm, chi phí SX cho 1 triệu con vào khoảng 40 triệu đồng bao gồm chi phí giống bố mẹ, thức ăn, hệ thống xử lý nước, lao động (giá thành 40 đồng/con).
Trong khi các DN lớn họ có nguồn nhập khẩu tôm giống bố mẹ ổn định như Mỹ, Singapore, Thái Lan...; 1 cặp giá từ 3-5 triệu đồng, 1 kg mấy chục triệu đồng (20 con tôm bố nặng 1 kg, 15-16 con tôm mẹ nặng 1 kg - PV) nên giá vốn họ cao từ 60-70đ/con. Còn ông đi mua nguồn tôm bố mẹ trôi nổi, giá rẻ hơn nên chất lượng không bằng. Kết quả là tôm post bán cho các trại dèo sau vài vụ người ta chê chậm lớn, nuôi sau 2,5 tháng TTCT có 90 con/kg (thay vì 60 con/kg-PV)
“Tháng 3, 4 vừa rồi nắng hạn, mặn xâm nhập ở vùng ĐBSCL khiến nhiều ao tôm bị ảnh hưởng nặng nề, tôm post ế không bán được, tôi nghỉ luôn cho xong, chuyển qua nghề khác”, ông V nói.
Phiếu kết qủa xét nghiệm tôm post “sạch bệnh” tại nơi DN SX tôm giống
Cũng theo ông V, hiện có một số DN chỉ nhập số lượng tôm bố mẹ cố định, sau đó tận dụng triệt để đẻ nhiều lứa nauplii, mysis, post (tức sử dụng “quá đát” trên 6 tháng đến 1 năm-PV) để tăng thu lợi nhuận, do đó có nhiều lứa tôm post yếu, không đủ sức đề kháng đưa ra thị trường dù đã được các cơ quan chức năng ghi nhận tình trạng thú y đạt “yêu cầu”, “sạch bệnh”.
Theo Nhật Vy
Nông nghiệp Việt Nam