Cuộc đua lãi suất huy động đã không trong phạm vi một vài ngân hàng nhỏ nữa, mà đã lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Tình trạng “mặc cả” lãi suất đã diễn ra hầu hết ở các ngân hàng và “chiếc áo” trần lãi suất trở nên quá chật chội.
Cuộc đua lãi suất lan rộng mà nguyên nhân xuất phát từ những ngân hàng yếu kém.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về cuộc đua lãi suất lần này và NHNN cũng thừa nhận có tình trạng đua lãi suất trong hệ thống ngân hàng, xuất phát điểm từ các ngân hàng nhỏ.
Nguyên nhân của cuộc đua lãi suất lần này xuất phát từ việc thanh khoản của một số ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng. Để giữ chân khách hàng lớn trước sự lôi kéo của những ngân hàng yếu kém này, các ngân hàng khác buộc phải tham gia cuộc đua lãi suất. Như vậy, một lần nữa, cuộc đua lãi suất lại xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị vốn của những ngân hàng yếu kém.
Một nguyên nhân nữa khiến lãi suất huy động tăng lên đó là các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn để phù hợp với dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tập trung vốn quá nhiều cho bất động sản, điều này khiến NHNN lo ngại rủi ro thanh khoản. Theo NHNN, tính đến tháng 11/2015, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 4.586.430 tỷ đồng, trong đó, cho vay bất động sản chiếm 10,3%. Như vậy, ước tính tổng số tiền của hệ thống ngân hàng đang nằm trong thị trường bất động sản khoảng 472.402 tỷ đồng.
Ngân hàng yếu kém lại “gây bão”
Nói về vấn đề này, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, cuộc đua lãi suất lần này là do họ bị những ngân hàng yếu kém kéo vào. “Việc tăng lãi suất huy động là để giữ chân khách hàng lớn trước sự lôi kéo của các ngân hàng khác. Đây không phải là cuộc đua lãi suất của các ngân hàng mà các ngân hàng buộc phải làm xuất phát từ sự yếu kém trong công tác quản trị vốn của các ngân hàng yếu kém”, vị này phân tích.
Nhìn lại năm 2010, 2011, cuộc đua lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng cũng xuất phát từ nguyên nhân này và do không có giải pháp khả thi nên cuộc đua diễn ra trong thời gian dài và đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao chót vót, 17%/năm. Tất nhiên, cuộc đua lãi suất lần này không nghiêm trọng như thời điểm đó, nhưng một trong những nguyên nhân chính đẩy đến cuộc đua này cũng là thanh khoản.
Điều đáng nói, việc mất cân đối đầu vào, đầu ta không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà xuất hiện cả ở ông lớn ngân hàng là BIDV. Năm 2015, huy động khách hàng tăng chậm hơn so với cho vay. Theo đó, huy động khách hàng chỉ đạt mức 564.590 tỷ đồng, tăng 28,18% nhưng cho vay khách hàng tăng mạnh đạt 598.450 tỷ đồng, tăng 34,21%.
Căn cứ vào báo cáo rủi ro tiền tệ của BIDV, CTCK TP.HCM (HSC) ước tính tỷ lệ LDR (tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi) thuần đối với VNĐ là 103,31% và đối với USD và các ngoại tệ khác quy đổi ra USD là 136,16%. Tỷ lệ LDR thuần cho toàn bộ các loại tiền tệ quy đổi ra VNĐ là 106%, một mức rất cao so với bình quân các ngân hàng niêm yết.
Báo cáo rủi ro thanh khoản cũng cho thấy BIDV là ngân hàng có mức độ tập trung cao nhất các nguồn huy động tiền gửi ngắn hạn, cụ thể là 97,5% tổng số dư huy động khách hàng của BIDV có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 1 năm, và 64,21% có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 3 tháng.
“Tình trạng thiết hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao cho thấy rằng, BIDV sẽ tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng và kênh hỗ trỡ vốn của NHNN (ví dụ OMO). Muốn cải thiện tình trạng này, BIDV sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa”, HSC nhận định.
Mặc dù không căng thẳng như BIDV, nhưng Vietinbank cũng tiềm ẩn rủi ro thanh khoản khi duy trì tỷ lệ LDR ở mức 104,7%. Trong năm 2015, cho vay khách hàng của Vietinbank đạt 538.079,8 tỷ đồng, tăng 22,3%, trong khi vốn huy động khách hàng chỉ đạt 492.960 tỷ đồng, tăng 16,2%.
Trong khi đó, hệ số LDR của các ngân hàng thương mại chỉ là 80% và nếu có sửa đổi theo Thông tư 30 là nâng lên 90%.
Do thiếu hụt thanh khoản, BIDV và Vietinbank đã phải ăn đong từ việc vay vốn của NHNN. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 cũng cho thấy BIDV đang vay của NHNN là 33.961 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ vay có 1.760 tỷ đồng.
Mặc dù thấp hơn BIDV, nhưng Vietinbank cũng là ngân hàng vay NHNN với số tiền lớn. Theo đó, năm 2015, Vietinbank vay NHNN lên tới 13.205 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ có 4.731 tỷ đồng.
Ngân hàng cần phải bỏ “bóc ngắn, cắn dài”
Một nguyên nhân nữa được cho là tác động tới lãi suất của các ngân hàng, đó là phải cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn để phù hợp với sửa đổi Thông tư 36 của NHNN. Theo đó, NHNN muốn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40% đối với các ngân hàng thương mại. Nếu vấn đề này được thông qua, nhiều ngân hàng có thể đã vượt trần vì vốn đổ vào bất động sản quá lớn.
“Đây là lý do khiến các ngân hàng tăng lãi suất để cơ cấu lại các kỳ hạn”, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank, nhận định.
Ông Thanh thừa nhận lãi suất huy động trong giai đoạn gần đây của các ngân hàng đã có mức tăng đáng kể ở thời điểm trước và sau tết.
“Tuy nhiên, giai đoạn sau tết việc cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng tập trung vào các kỳ hạn dài trên 1 năm nhằm khuyến khích huy động từ các kỳ hạn dài. Đây cũng là động thái các ngân hàng chuẩn bị cho việc sửa đổi Thông tư 36 giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40% của NHNN”, ông Thanh phân tích.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được cân nhắc và nếu được thi hành sẽ có tác động giới hạn tín dụng cho vay bất động sản. Với khả năng tín dụng bất động sản bị siết lại, các ngân hàng thương mại được dự kiến sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay bất động sản trung và dài hạn.
“Do đó lãi suất cho vay bất động sản có khả năng sẽ tăng. Cùng với đó, vì hệ số rủi ro cho tín dụng bất động sản tăng cao sẽ buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay bất động sản hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại”, ông Hiếu phân tích.
Thêm vào đó Chính phủ cũng đang phát hành trái phiếu với lãi suất tương đối cao để cân đối ngân sách quốc gia. “Tất cả những nguyên nhân này đã dẫn đến việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động”, ông Hiếu nhận định.
Theo Trần Giang / BizLIVE