Năm nay, cuộc đua của các nhà bán lẻ điện máy sẽ kịch tính hơn. Ảnh: Minh Tâm
Sau một thời gian im ắng, hiện nay, các nhà bán lẻ điện máy đã bắt đầu một cuộc chạy đua mở điểm bán mới. Dự báo cuộc đua sẽ càng kịch tính hơn vào năm nay, 2017.
Mô hình cửa hàng nhỏ lên ngôi
Hôm 23-12-2016, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (TGDĐ) chính thức khai trương cửa hàng Điện máy Xanh kiêm Thế Giới Di Động trên đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn qua thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Nếu chỉ tính về phần của Điện máy Xanh thì đây là cửa hàng thứ 28 trên địa bàn TPHCM của nhà đầu tư này.
Khuôn viên cửa hàng chưa tới 400 mét vuông (bao gồm cả bãi giữ xe) và không có tầng lầu nào, khiến khách đến mua sắm trong những ngày qua cứ phải nhìn nhau kẻo đụng. Cửa hàng này được TGDĐ gọi là mô hình mini, đã bắt đầu áp dụng từ tháng 8-2016, với đặc điểm: quy mô nhỏ và bán các mặt hàng phù hợp nhu cầu của dân cư khu vực. Theo quan sát của TBKTSG, cửa hàng này được thi công chỉ trong vòng nửa tháng trên nền đất của vài căn nhà cấp bốn trước đó. Và trước khi triển khai mô hình mini, Điện máy Xanh cũng đã tạo sự khác biệt với các đối thủ khi chuyên đầu tư các cửa hàng tầm trung - dưới 1.000 mét vuông và không có lầu.
Đồng thời với sự mở rộng ở TPHCM, TGDĐ còn khai trương cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành khác. Tất cả đều là mô hình cửa hàng mini và tầm trung. Phác họa sơ bộ này cho thấy mật độ cũng như tần suất khai trương điểm bán của nhà bán lẻ này là khá dày đặc. Theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ, có những tháng, nhà bán lẻ này khai trương 30-40 cửa hàng trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2016, hệ thống đạt con số 249 cửa hàng. So với con số 86 cửa hàng ở thời điểm cuối năm 2015, con số này đã tăng rất mạnh và vượt xa mục tiêu mở 150 cửa hàng trong năm 2016. Đây cũng là chuỗi bán lẻ điện máy đầu tiên có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.
Sự tăng tốc của TGDĐ đã khiến các nhà bán lẻ khác phải thay đổi. Hôm 24-12-2016, Công ty Thiên Nam Hòa, chủ đầu tư của hệ thống trung tâm điện máy Thiên Hòa, đã đưa vào khai thác cửa hàng quy mô 1.000 mét vuông tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc tiếp thị, đây là bước nhân rộng mô hình cửa hàng nhỏ mà Thiên Hòa đã bắt đầu triển khai từ đầu tháng 7-2016 với cửa hàng Thiên Hòa ở quận 7, TPHCM.
Khác hẳn với những trung tâm bề thế của Thiên Hòa ở quận 10 và quận Tân Phú, những cửa hàng mới có quy mô nhỏ và chọn phân khúc sản phẩm phù hợp đối tượng khách hàng mục tiêu. Số vốn đầu tư vào các cửa hàng mới tất nhiên cũng khác. Ông Hậu cho biết: “Trước đây, khi đầu tư theo mô hình cũ, chúng tôi không quan tâm lắm đến doanh số trên từng mét vuông cửa hàng. Nay, với mô hình cửa hàng nhỏ, mức đầu tư cho mỗi mét vuông xây dựng cơ bản được tính theo tỷ lệ của doanh số trên mét vuông quầy kệ”.
Điện máy là thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để kênh bán lẻ hiện đại phát triển, gia tăng thị phần. Cuộc đua đầu tư điểm bán mới trong năm 2017 vì thế sẽ càng hấp dẫn. |
Một tên tuổi có thâm niên trên thị trường điện máy là Nguyễn Kim cũng đã đồng loạt khai trương 14 điểm bán mới trên toàn quốc vào ngày 9-12-2016. Trong đó có tám điểm nằm trong tám siêu thị Big C (sau khi TGDĐ rời đi), nơi mà đối tác nắm 49% của Nguyễn Kim là Central đang sở hữu sau khi mua từ nhà đầu tư Pháp; sáu điểm còn lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành. Mô hình cửa hàng Nguyễn Kim trong siêu thị có quy mô chỉ 300 mét vuông, nhỏ hơn rất nhiều các siêu thị độc lập bên ngoài.
Hôm 21-12-2016, điện máy Chợ Lớn cũng mở trung tâm trên đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn qua quận 7 (TPHCM) dù thương hiệu này đã có một điểm nằm trong trung tâm thương mại Crescent (Phú Mỹ Hưng). Tính đến thời điểm hiện tại, theo trang web của điện máy Chợ Lớn, con số điểm bán trong chuỗi là 44 với các điểm bán hiện diện từ Đà Nẵng trở vào đến miền Tây Nam bộ, trong đó, TPHCM và các tỉnh lân cận chiếm hơn phân nửa.
Cuộc đua còn tiếp diễn
Những chuyển động trên thị trường điện máy cho thấy lĩnh vực này có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau một thời gian dài ảm đạm. Động thái này của các nhà bán lẻ hiện đại nhằm chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng (trải nghiệm trong những không gian hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp), bởi lẽ điện máy là thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để kênh bán lẻ hiện đại phát triển, gia tăng thị phần. Cuộc đua đầu tư điểm bán mới trong năm 2017 vì thế sẽ càng hấp dẫn.
Với Thiên Hòa, hai cửa hàng nhỏ ở quận 7 (TPHCM) và Bến Cát (Bình Dương) là bước thăm dò thị trường để xây dựng và hoàn thiện mô hình đầu tư mới. Đó là những cửa hàng được điều chỉnh linh hoạt theo từng đối tượng khách hàng mục tiêu nhằm tối ưu chi phí đầu tư. Ông Hậu cho biết mục tiêu của Thiên Hòa là có ít nhất 10 cửa hàng trong năm 2017. Ở thời điểm hiện tại, các mặt bằng đã được chuẩn bị cho bước đi này.
Còn theo ông Trần Kinh Doanh Tổng giám đốc TGDĐ, “thị trường tốt nên có rất nhiều thứ để làm”. Sức mua trong năm qua ở từng nhóm hàng tăng ít nhất 15% đã giúp Điện máy Xanh tăng doanh thu gấp bốn lần so với năm 2015, lợi nhuận trên 300 tỉ đồng. Năm 2017 này tốc độ mở điểm bán của Điện máy Xanh sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Không tiết lộ con số cửa hàng đang hướng đến nhưng ông Doanh cho biết mục tiêu doanh thu là tăng gấp hai lần và lợi nhuận tăng 2,5 lần so với năm 2016.
Và như đã đề cập, các chuỗi điện máy Nguyễn Kim hay Chợ Lớn vẫn đang tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu mở rộng. Chuỗi Nguyễn Kim chắc chắn chưa dừng lại vì mục tiêu đến năm 2019 của họ là 50 điểm bán trên toàn quốc. Hiện tại, con số này là 34 (riêng trong năm 2016 đã có thêm 14 điểm) với độ phủ rộng khắp các tỉnh, thành, đặc biệt mật độ khá dày ở một số khu vực.
Bên cạnh việc mở thêm điểm bán, các hệ thống vẫn đang đầu tư mạnh cho kênh bán hàng trực tuyến, tương tự như việc các trang thương mại điện tử đang tính mở điểm bán lẻ ngoại tuyến để phục vụ khách hàng. Vì vậy, người tiêu dùng chắc chắn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về giá và dịch vụ trong thời gian tới.
Minh Tâm / TBKTSG