Trong khi PVI vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về bảo hiểm thì thứ hạng của 5 ông lớn dẫn đầu thị trường đã có sự thay đổi khi PTI đã vượt lên PJICO trong năm 2015.
Ảnh minh họa.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ năm 2014.
Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là PVI với doanh thu đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 20,84% thị phần.
Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 5.934 tỷ đồng, tăng 4,97% so với năm 2014, chiếm 18,52% thị phần. Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 9,46% so với năm 2014, chiếm 8,88% thị phần.
PTI đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 41,5% so với năm 2014, chiếm 7,59% thị phần, PJICO đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 2.231 tỷ đồng, tăng 5,07% so với năm 2014, chiếm 6,96% thị phần.
Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường nêu trên, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2014 như SGI (21,6 tỷ đồng, tăng 700,52%), VASS (1.286 tỷ đồng, tăng 177,98%), ACE (173 tỷ đồng, tăng 104,99%), Phú Hưng (52 tỷ đồng, tăng 80,02%), VBI (488 tỷ đồng, tăng 76,83%).
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu; tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe; bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; bảo hiểm cháy nổ; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.
Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước khoảng 13.579 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 42,38%; cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (39,37%).
Cũng theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 61.499 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2014, mức tăng trưởng bình quân 16,2%/năm giai đoạn 2011-2015).
Tổng đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.306 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2014, mức tăng trưởng bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2011-2015).
Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 18.078 tỷ đồng (tăng 35,8% so với năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 12,8%/năm giai đoạn 2011-2015).
Tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 21.533 tỷ đồng (tăng 17,03% so với năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2011-2015.
(Theo Trí Thức Trẻ)