Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đang hoàn thiện giải trình các ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về quy hoạch điện 8.
Tại thông báo này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp để hoàn thiện Quy hoạch điện 8. Trong đó, có việc rà soát, đánh giá kỹ thêm về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia hiện nay; khả năng cung ứng điện tối đa trong trường hợp có và không có ràng buộc về truyền tải công suất các nguồn điện hiện hữu trong hệ thống.
Tăng mạnh điện mặt trời, sản lượng vẫn ít
Theo đánh giá của Viện Năng lượng, hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất của thế giới. Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2020 đạt 216,83 tỷ kWh, tăng 2,53 lần so với năm 2010 (85,6 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2020 là 9,7%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 10,87%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng 8,62%/năm).
Hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất của thế giới.
Riêng năm 2020, tăng trưởng điện thương phẩm chỉ đạt 3,4%, thấp nhất trong thập kỷ vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh các nguồn truyền thống, nguồn điện mặt trời và điện mặt trời áp mái cũng có sự tăng trưởng đột ngột trong các năm 2019-2020. Từ mức không đáng kể đầu năm 2018, công suất điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) đã đạt 4.700MW cuối 2019 và 16.700MW cuối năm 2020. Hiện tại, cơ cấu của nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) đã chiếm gần 26% tổng công suất đặt của nguồn điện. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, điện mặt trời và điện gió mới chỉ đóng góp rất ít vào sản lượng điện (chỉ chiếm khoảng 4% tổng sản lượng toàn hệ thống điện năm 2020).
Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời áp mái) là 16.500MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất).
Các nguồn điện tái tạo có nhiều đặc tính vận hành khác biệt với các nguồn điện truyền thống như tính bất định cao, chế độ vận hành phụ thuộc vào thời tiết, không đóng góp cho quán tính hệ thống và điều tần sơ cấp,... Do vậy, sự gia tăng đột biến của loại hình nguồn điện này dẫn đến nhiều vấn đề trong vận hành hệ thống điện như đầy tải, quá tải cục bộ, sụt giảm quán tính hệ thống, tăng số lần khởi động và yêu cầu điều chỉnh công suất các nhà máy nhiệt điện.
Một trong những hệ quả trực tiếp của các vấn đề này là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh.
Năm 2021, theo dự kiến của EVN, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh ĐMT và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này).
Trong 3 tháng đầu năm 2021, điều độ quốc gia đã tiết giảm công suất điện mặt trời nối lưới/ ĐMT áp mái lớn nhất đạt 4.750/3.490MW vào thấp điểm trưa ngày Tết và 2400/1250MW thấp điểm trưa ngày thường.
Như vậy, theo Viện Năng lượng, điện gió và điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống. Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm nguồn này.
Công suất điện mặt trời, điện gió vẫn chiếm tỷ trọng thấp, hệ thống điện chủ yếu vẫn phải dựa vào nhiệt điện và thủy điện
Tiếp tục cắt giảm năng lượng tái tạo
Theo tính toán của cơ quan Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), tổng sản lượng điện cắt giảm 6 tháng cuối năm 2021 có thể lên tới 1,7 tỷ kWh.
Riêng trong tháng 7-9, mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 2.800/6.500 MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường/cuối tuần, sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 210 triệu kWh.
Giai đoạn tháng 10-12/2021 là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500 kV cùng với thừa nguồn trên hệ thống trong ngày thường/Chủ nhật có thể lên tới 7.500 MW/11.500 MW. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 378 triệu kWh.
Tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo dự kiến vận hành đến cuối năm 2021 là 21.951 MW, bao gồm 8.972 MW điện mặt trời trang trại, 7.630 MW điện mặt trời mái nhà và 5.349 MW điện gió.
Hiện nay, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến năm 2025 khoảng 25.500 MW (chưa bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà). Bao gồm 13.900 MW điện mặt trời trang trại và 11.500 MW điện gió.
Như vậy còn lại khoảng 5.000 MW điện mặt trời và 6.144 MW điện gió đã phê duyệt quy hoạch nhưng không kịp đưa vào vận hành trong năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin cụ thể về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn sau tháng 10/2021 nên tiến độ các nguồn này còn nhiều rủi ro.
Trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10/2021 (hết ưu đãi giá FIT điện gió) thì hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh điện năm 2025.
Theo Viện Năng lượng, cắt giảm công suất là không thể tránh khỏi với các hệ thống điện có tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo của các nước có sự khác biệt nhất định, do khác nhau về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn, phân bổ nguồn tải, thị trường điện, độ hoàn thiện của hạ tầng lưới điện truyền tải, phân phối.