Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cá và các sản phẩm cá thuộc bộ Siluriformes - cá da trơn (chủ yếu là cá tra) xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Theo đó, chương trình kiểm soát này đưa ra các quy định về điều kiện và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở nuôi, vận chuyển, chế biến, bảo quản cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Chương trình kiểm soát ATTP cũng quy định các hoạt động đăng ký, thẩm định, chứng nhận cho các lô hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Về đối tượng áp dụng, chương trình nêu trên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (cơ sở) nuôi, vận chuyển, chế biến, bảo quản, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ; các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP, thẩm định và chứng nhận cho lô hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ; phòng thử nghiệm thực hiện phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP đối với cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đối với cơ quan kiểm soát, các chi cục quản lý chuyên ngành về thủy sản, chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành trực thuộc trung ương sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP đối với toàn bộ công đoạn từ khâu nuôi thương phẩm đến khâu thu hoạch theo hướng dẫn của Tổng cục thủy sản và quá trình vận chuyển theo hướng dẫn Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad).
Ngoài ra, chương trình cũng quy định về các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát ATTP trong quá trình vận chuyển, chế biến, bảo quản, xuất khẩu của các đơn vị liên quan…
Còn yêu cầu đối với trang thiết bị phục vụ việc kiểm soát, thì có quy định như sau: thứ nhất, phải là thiết bị chuyên dụng, có dấu hiệu phân biệt với các dụng cụ khác. Thứ hai, thiết bị phải trong tình trạng hoạt động và bảo trì tốt; được xác nhận giá trị sử dụng; kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; tình trạng vệ sinh tốt, bảo đảm không là nguồn lây nhiễm.
Trong khi đó, các phòng thử nghiệm được yêu cầu tham gia hoạt động phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP phải được Nafiqad chỉ định theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với kiểm tra viên thực hiện việc thẩm định, kiểm soát phải trung thực, khách quan, không có quan hệ về lợi ích kinh tế với các cơ sở; có chuyên môn phù hợp, có năng lực thực hiện thẩm định, kiểm soát ATTP thủy sản, có khả năng đánh giá việc thực hiện các chương trình quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GMP, SSOP, HACCP…
Chẳng hạn, với khâu kiểm tra chất lượng cá khi tiếp nhận tại cơ sở chế biến, thì chương trình kiểm soát ATTP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu: thứ nhất, việc kiểm tra chất lượng cá trong quá trình tiếp nhận tại cơ sở do công nhân, nhân viên quản lý chất lượng của cơ sở thực hiện.
Thứ hai, mọi cá thể cá chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải được loại bỏ và đảm bảo việc chúng không đưa vào chế biến làm thực phẩm cho người.
Thứ ba, cá được loại bỏ phải được để trong thiết bị riêng biệt, có dấu hiệu nhận diện phù hợp để tránh nhầm lẫn với cá được đưa vào chế biến làm thực phẩm. Cá loại bỏ phải được xử lý phù hợp để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Hoạt động loại bỏ cá chết và cá có dấu hiệu bị bệnh phải được ghi chép đầy đủ vào hồ sơ giám sát chất lượng của cơ sở.
Ngoài ra, tại các khâu liên quan kiểm soát công đoạn nuôi, thu hoạch; công đoạn chế biến và xuất khẩu..., chương trình đều có những quy định về cách thức thực hiện rõ ràng.
Liên quan đến kiểm tra chất lượng ATTP cá tra, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Cơ quan thanh tra ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã quyết định hoãn chuyến công tác đến Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh ATTP (lần thứ hai) đối với cá thuộc bộ Siluriformes xuất khẩu sang quốc gia này do dịch Covid-19.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Nafiqad, cho biết vào ngày 12-11 năm ngoái 2019, FSIS đã có thông báo công nhận hệ thống kiểm soát ATTP chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. “Quy định công nhận tương đương này cũng đã được đăng trên công báo Liên bang Mỹ”, ông cho biết.
Theo Nafiqad, phía Mỹ thực hiện kiểm soát hệ thống ATTP nhằm mục đích duy trì hệ thống kiểm soát vệ sinh ATTP cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là tương đương với quốc gia này.
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chương trình kiểm soát ATTP cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes (chủ yếu là cá tra) xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhằm mục đích giúp hệ thống kiểm soát ATTP cá tra Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ đặt ra.
Chương trình kiểm soát ATTP cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 7-7-2020.