Hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả, đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như thông qua các sự kiện hội chợ, triển lãm thương mại và đầu tư, khảo sát thị trường; tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp (DN), các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư... đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào tại TP. Hồ Chí Minh.
Xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2019, thành phố dự kiến thu hút được 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 101% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,85 tỷ USD (tăng 13% số dự án cấp mới và bằng 224% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
TP. Hồ Chí Minh sẽ tái cấu trúc thu hút đầu tư vào các khu chế xuất- khu công nghiệp
Ngoài ra, trong năm 2019 thành phố cũng có 300 lượt dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 850 triệu USD. Cùng với đó, thành phố chấp thuận cho 5.500 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 5,3 tỷ USD.
Ông Phạm Thiết Hòa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, với các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư đa dạng, đi vào thực tế của DN đã mang lại hiệu quả cho hoạt động thu thu hút đầu tư của thành phố. Năm 2019 thành phố đã tổ chức khoảng 203 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước thông qua các sự kiện hội chợ triển lãm thương mại và đầu tu, khảo sát thị trường; tổ chức các diễn đàn, hội thảo và kết nối DN (B2B). Ngoài ra, thành phố đã đón tiếp và làm việc với 310 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh và trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại và đầu tư tại thành phố.
Bên cạnh đó, một môi trường đầu tư tốt dành cho các DN không chỉ dừng lại ở các chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mà quan trọng còn là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền. Vì thế thành phố đã duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đầu tư, họp hàng tuần để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án, nhất là các dự án lớn...
Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang mời gọi đầu tư tổng cộng 210 dự án, với tổng nhu cầu vốn đầu tư 1,183 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 53,8 tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, du lịch giải trí…
Để tạo điều kiện kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhất là vấn đề mặt bằng sản xuất kinh doanh, thành phố đã thành lập Tổ công tác để thực hiện khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng, tái cấu trúc thu hút đầu tư các khu chế xuất – khu công nghiệp của thành phố; hướng xử lý đối với phần diện tích đất khoảng 1.000 ha, dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 để phục vụ các nhà đầu tư. Đồng thời, trong phương án mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ tính tới việc xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các DN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích các dự án có chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Việc thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư cũng tập trung vào các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghệ cao, ngành thương mại dịch vụ... Hình thành các liên kết giữa các loại hình DN có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và tăng xuất khẩu.
Theo Thanh Thanh (Báo Công Thương Điện Tử)