Từ 18h ngày 31/7, Đà Nẵng "cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố", dừng tất cả cơ sở kinh doanh, kể cả đồ ăn bán mang về; người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết.
16h30 chiều nay, Đà Nẵng phát hành Chỉ thị 05 của UBND Đà Nẵng với các biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19. Thời gian áp dụng từ 18h cùng ngày "cho đến khi có thông báo mới".
Thực hiện giãn cách với những "biện pháp cao hơn" Chỉ thị 16, Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu "cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng", theo nguyên tắc cách ly giữa các gia đình, tổ dân phố, thôn, xã, phường, quận, huyện.
Mọi người dân không được ra khỏi nhà; chỉ được ra khi đi mua lương thực, thực phẩm; cấp cứu, khám chữa bệnh, xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, mua thuốc chữa bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác như thiên tai, hỏa hoạn.
Những ngày qua, phương tiện lưu thông trên đường phố Đà Nẵng giảm mạnh, khi thành phố liên tiếp phát hiện các chuỗi lây nhiễm mới, ảnh chụp trên cầu sông Hàn chiều 29/7. Ảnh: Nguyễn Đông.
Diện được ra khỏi nhà còn áp dụng với người đi công tác/công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở nhà nước, tác nghiệp báo chí; làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động; tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, phòng chống dịch theo quy định.
Các trường hợp đặc biệt khác cần được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố bằng văn bản.
Người dân khi ra ngoài trong các trường hợp nêu trên cầu có giấy đi đường mà thành phố đã ban hành mẫu, thẻ nhà báo, thẻ đi chợ, kèm theo giấy tờ tuỳ thân. Tất cả cần tuân thủ nghiêm quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...; bắt buộc khai báo y tế hàng ngày.
Người dân không được ra khỏi thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu không có lý do chính đáng như đi công vụ, phòng, chống dịch, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động....
UBND các quận, huyện sẽ thiết lập các chốt kiểm soát ở khu dân cư, trên trục giao thông chính. Các tổ tuần tra cơ động liên ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giãn cách và xử lý các hành vi vi phạm của người ra đường.
Công an kiểm tra người ra đường, ngày 26/7. Ảnh: Đông Dương.
Chủ tịch thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng tất cả hoạt động, kể cả bán mang đi tại cửa hàng ăn, uống. Các trường hợp được hoạt động là siêu thị, siêu thị mini, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu; dịch vụ vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu.
Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh; cửa hàng kinh doanh gas, cửa hàng kinh doanh xăng dầu; dịch vụ bưu chính, viễn thông, thư tín, phát hành báo chí; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp; khách sạn cách ly y tế tập trung cho người có nhu cầu được phép hoạt động,
Ngân hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, bổ trợ doanh nghiệp (như đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo hiểm...), bổ trợ tư pháp (như công chứng, luật sư, đấu giá, thừa phát lại, trọng tài thương mại, tư vấn pháp luật, quản lý, thanh lý tài sản...), kho bạc, chứng khoán được mở.
Trong thời gian được hoạt động, các cơ sở, cá nhân phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ; thực hiện 5K và khai báo y tế bằng mã QRCode hoặc bằng giấy. Ai thiếu trách nhiệm để xảy ra lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong thời gian tạm dừng hoạt động phải bố trí nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị và xác nhận, cấp giấy đi đường để làm cơ sở cho việc tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội.
Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức phương án giãn 50% ca, kíp sản xuất, bộ phận quản lý làm việc trực tiếp không quá 50% số người tại trụ sở. Chủ cơ sở sản xuất phải chủ động dừng sản xuất khi chưa đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định.
Thành phố cũng dừng hoạt động thi công tại tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố (kể cả các hoạt động xây dựng nhà dân). Công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố chỉ được thi công khi được sự cho phép của UBND thành phố hoặc UBND các quận, huyện.
Các cơ quan, công sở nhà nước sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; làm việc trực tiếp với số lượng không quá 50% tại trụ sở (trừ nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội và một số ngành đặc thù khác phục vụ phòng, chống dịch), đảm bảo cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.
Đà Nẵng dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết. Trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện phải bảo đảm giãn cách 2 mét và tập trung không quá 20 người trong một phòng.
Lãnh đạo thành phố giao cho người đứng đầu đơn vị quyết định phương án bố trí công việc, số lượng người làm việc và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Đà Nẵng cũng dừng tất cả hoạt động và phương tiện vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, trừ trường hợp vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch, vận chuyển người bệnh, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Dịch vụ tang lễ không để quá 48 tiếng và chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không có các đoàn viếng.
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị, Sở Công thương lên danh sách nhân viên giao nhận hàng của các siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng tiện lợi,... để Sở Giao thông vận tải cấp mã xác nhận cho hoạt động.
Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh kêu gọi "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài", chung sức cùng thành phố phòng, chống dịch. Ông cũng đề nghị người dân bình tĩnh, không tập trung đông người đi mua sắm, tích trữ hàng hóa vì lương thực, thực phẩm luôn được cung ứng qua các chợ, siêu thị.
"Ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, góp phần cùng các đơn vị chức năng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông Chinh nói.
Trước đó, chiều 30/7, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng ra Nghị quyết 08 về yêu cầu thực hiện các biện pháp "mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ", làm căn cứ để UBND Đà Nẵng ban hành các biện pháp giãn cách xã hội từ 18h ngày 31/7.
Nghị quyết và Chỉ thị được đưa ra trước tình hình dịch bệnh tại thành phố đang diễn biến phức tạp, nguy cơ "rất cao" khi chỉ 20 ngày ghi nhận 633 ca Covid-19, trong đó hai chuỗi lây nhiễm có hơn 150 ca; nhiều ca lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây.
Nguyễn Đông