Kinh tế tiếp tục lao dốc, GRDP thấp kỷ lục, cộng đồng doanh nghiệp mất niềm tin… đó là những “dấu ấn” ảm đạm của Đà Nẵng trong năm 2019, nơi từng được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên...
Năm 2019, Đà Nẵng chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay với chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,47%, không đạt kế hoạch đề ra là 8-9%. Kết quả này biến Đà Nẵng thành địa phương “đội sổ” về tốc độ tăng tổng sản lượng trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2 bậc so với năm ngoái. Trong bảng xếp hạng 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tăng trưởng của Đà Nẵng xếp thứ 3 sau Thừa Thiên - Huế và Bình Định, dù Đà Nẵng được xác định là đầu tàu kinh tế của vùng.
Cục Thống kê TP.Đà Nẵng chỉ rõ, trong lĩnh vực kinh tế, năm 2019 khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2019. Tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp năm 2019 ước đạt 4,22%, chỉ bằng phân nửa so với mức tăng 8,81% của năm 2018.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng sau cơn nóng sốt đã chững lại. Toàn thành phố có tới hơn 2.000 khu đất bị đình trệ, chậm trễ trong giao dịch, không thực hiện được thủ tục mua bán, chuyển nhượng.
Nhiều dự án, khu vực bị đình chỉ, dở dang vì liên quan đến vụ án Vũ "nhôm", như khu 29 ha thuộc khu đô thị mới Đa Phước.
Kinh tế đã trì trệ, các chỉ số về văn hóa, xã hội của thành phố đáng sống cũng khiến chính người dân Đà thành ngao ngán. 21h đêm 31/12, hàng ngàn người dân đổ xô về quảng trường 2/9 để tham dự “tiệc” đón năm mới 2020 như thường lệ. Thế nhưng, sự kiện đếm ngược thời gian đón năm mới bỗng bị hủy ở phút chót, lý do đơn giản là vì… không có kinh phí. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng cho biết, thành phố cho phép một doanh nghiệp tổ chức tiệc đếm ngược thời gian nhưng đến giờ cuối hoãn lại vì câu hỏi “tiền đâu”.
Người Đà Nẵng cũng ngậm ngùi chia sẻ, dịp Tết âm lịch, nhiều năm qua cũng chưa từng thấy thành phố có sự kiện nào quy mô xứng tầm với vị thế của “thủ phủ du lịch miền Trung”.
Nói riêng về du lịch, thời gian qua, sở dĩ lĩnh vực này vẫn giữ được tăng trưởng là do sự chủ động của các doanh nghiệp lớn trong kinh doanh dịch vụ cũng như tăng cường đầu tư tổ chức các lễ hội, hoạt động vui chơi giải trí để thu hút du khách chứ vai trò của chính quyền, của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cũng mờ nhạt, thiết vắng. Thực tế, mặc dù tăng trưởng về lượng khách song thời gian lưu trú của du khách tại Đà Nẵng có chiều hướng giảm.
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, tính đến hết quý 3/2019, khách quốc tế lưu trú bình quân tại Đà Nẵng chỉ 1,86 ngày và khách trong nước là 1,68 ngày, trong khi chỉ tiêu này của năm 2018 đạt lần lượt là 2 ngày và 1,71 ngày. Điều đó không chỉ khiến doanh thu từ du lịch sụt giảm, mà còn đang biến Đà Nẵng thành “điểm trung chuyển” du khách đến các điểm lân cận như Hội An, Huế…
PCI lao dốc, doanh nghiệp suy giảm niềm tin
Có nhiều nguyên nhân khiến Đà Nẵng rớt thảm hại trên các “mặt trận” kinh tế - xã hội, trong đó, phải kể đến sự tụt hạng của chỉ số năng lực cạnh trang cấp tỉnh PCI. Sau nhiều năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, năm 2017, Đà Nẵng để mất ngôi quán quân, tụt xuống vị trí số 2. Sang năm 2018, Đà Nẵng thậm chí không thể trụ lại ở ngôi Á quân, ngậm ngùi lùi thêm 3 bậc. Trong đó hầu hết các chỉ số thành phần để chấm điểm năng lực cạnh tranh đều giảm, đáng kể nhất là các chỉ số như cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo chính quyền… Kết quả này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng.
Tháng 5/2019, Đà Nẵng đã phải tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thành phố Đà Nẵng năm 2019”, nhằm vực dậy chỉ số quan trọng này.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu nhiều vấn đề về thực trạng đáng buồn của thành phố đáng sống tại hội thảo về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phân tích, những vụ việc của Đà Nẵng năm 2018 đã phủ lên một không khí không vui vẻ gì với cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân chính quyền rất khó khăn trong giải quyết các vấn đề xảy ra vì những thiếu sót, sai phạm, diễn ra từ lâu, nhưng 2018 là thời điểm thanh tra, điều tra, khởi tố cũng là thời điểm truyền thông tập trung đưa tin về thành phố nhiều nhất.
Theo ông Thơ, các dự án đưa vào diện thanh tra chỉ vài chục nhưng dự án tương tự như vậy thì cả ngàn. Giờ đây, “đụng” các dự án vậy, cán bộ chuyên viên bên dưới không dám tham mưu nữa, tâm lý e ngại, sợ sai.
Từ đó, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo các sở, ngành Đà Nẵng đưa ra nhằm “hãm phanh” đà lao dốc của PCI. Song, thời gian qua, tình hình dường như vẫn chưa được xoay chuyển. Doanh nghiệp vẫn “than trời” vì thủ tục ì ạch, môi trường đầu tư kinh doanh “khó chịu” ở Đà Nẵng. Thực tế, đã có doanh nghiệp bức xúc lên tiếng tố cáo chính quyền “tiền hậu bất nhất”, thậm chí không ít doanh nghiệp khởi kiện chính quyền ra tòa, như trường hợp Công ty Vipico, Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên…
Bầu không khí ảm đạm vẫn đang bao trùm lên thành phố từng đứng “ngôi vương” trên mặt trận phát triển kinh tế, du lịch của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trên các công cụ tìm kiếm, suốt từ năm 2018 đến nay, các từ khóa về Đà Nẵng liên tiếp hiển thị là “kiểm điểm”, “phê bình”, “thu hồi”, “cưỡng chế”, “thanh tra”, “tụt hậu”… Cũng chính vì vậy mà Đà Nẵng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Ngay trong lĩnh vực thế mạnh là du lịch, lãnh đạo Đà Nẵng từng xác nhận đã bỏ lỡ mỏ vàng từ kinh tế ban đêm cho đến khi Thủ tướng có chỉ thị yêu cầu xem xét. Chính quyền thành phố sau đó đã xúc tiến nghiên cứu gấp các giải pháp và thúc đẩy kinh tế ban đêm được xem là việc cấp thiết để Đà Nẵng dần lấy lại vị thế “thủ phủ du lịch”.
Ngoài ra, để vực dậy nền kinh tế đang đi lùi, theo các chuyên gia, không cách nào khác, lãnh đạo Đà Nẵng cần thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, và tất nhiên dám chịu trách nhiệm. Đã đến lúc Đà Nẵng không thể phụ thuộc nguồn thu từ đất đai như giai đoạn trước đây. Tăng cường thay đổi để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy lại niềm tin của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp nản chí rồi… chạy sang địa bàn khác, tận dụng sức mạnh từ kinh tế tư nhân, tạo điều kiện tốt nhất để lĩnh vực mũi nhọn là du lịch phát triển bứt phá… là những giải pháp phù hợp nhất với Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.
“Hy vọng lãnh đạo Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề ở tầm vĩ mô hơn, sau thời gian trì trệ, sớm tìm lại phong độ và quan trọng là thông thoáng, năng động trong chính sách để cạnh tranh thu hút nguồn lực tư nhân - vốn là thế mạnh của thành phố này” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.
Theo Thái Anh / dantri.com.vn