Tính đến hết tháng 3-2020, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.100 doanh nghiệp và gần 70.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cần sự hỗ trợ, tư vấn về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Một số cửa hàng tại Đà Nẵng phải đóng cửa gần hai tháng nay vì vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành bảo hiểm xã hội thành phố đang cố gắng giải quyết những vướng mắc dành cho hơn 1.100 doanh nghiệp về các vấn đề bảo hiểm khi phải ngừng hoạt động hoặc giảm nhân viên do dịch bệnh. Ảnh: Nhân Tâm
Anh Lê Thành Nhân, giám đốc một công ty kinh doanh máy lọc nước tại tại Đà Nẵng, băn khoăn với chuyện công ty của anh nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên năm 2020 của BHXH TP Đà Nẵng. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và cần sự hỗ trợ của thành phố.
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Kiên, giám đốc một nhà hàng, cũng cần sự hỗ trợ của thành phố nhưng ở khía cạnh nhân sự. Anh cho biết nhà hàng của mình đã cho người lao động nghỉ không lương trên 14 ngày trong một tháng do vắng khách vì dịch bệnh. Anh muốn hỏi về các quy định về BHXH, BHYT và BHTN cho chính doanh nghiệp của anh và người lao động.
Đây là hai trong số hơn 1.100 doanh nghiệp có liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố để nhờ tư vấn, giải quyết. Trao đổi những vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố, cho biết cơ quan ông sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, việc giãn hoặc điều chỉnh việc thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch đối với các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được xem xét.
“Tuy nhiên, đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, chúng tôi sẽ cương quyết thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định”, ông Hùng Anh nói và cho biết thêm thông tin các doanh nghiệp thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT được thực hiện theo Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo ông Hùng Anh, vấn đề về nhà hàng đóng cửa dịch bệnh không phải hiếm ở Đà Nẵng trong thời gian này. Trích Khoản 3, Điều 85, Luật BHXH số 58/2014/QH13, ông giải thích người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Vì vậy, nếu người lao động tại doanh nghiệp không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.
Ông Anh cũng chia sẻ thêm việc người lao động nghỉ không lương và nhận BHTN cũng được quy định trong Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Nhưng, hiện nay chưa có văn bản của TP Đà Nẵng hướng dẫn hỗ trợ chế độ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Khi trao đổi với TBKTSG Online, cả anh Nhân và anh Kiên đều chia sẻ đây là khó khăn chung của cả nước. Bản thân doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ để giải quyết khó khăn trong khả năng của mình. Đó là hạn chế bất lợi với người lao động ở mức thấp nhất có thể và chờ đợi sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.