Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ví tình cảnh cảng Tiên Sa hiện nay giống như phải vừa ăn cơm vừa uống nước cùng lần nên cả hai đều bị nghẹn. Đây là nút thắt cổ chai đối với phát triển du lịch, công nghiệp của thành phố mà muốn tháo gỡ thì phải xây cảng Liên Chiểu!
Cuộc họp nghe TEDIPORT trình bày cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP. hôm 1/10. Ảnh: HC.
Cảng Đà Nẵng chỉ lên đến 12 triệu tấn/năm là hết mức
Như tin đã đưa, ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành hữu quan và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghe Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (TEDIPORT) trình bày báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP.
Theo TEDIPORT, so với dự báo của JICA về nhu cầu vận tải hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng thì kết quả khai thác giai đoạn 2010 – 2015 đã vượt 7 – 16% (riêng hàng container vượt 20%). Năm 2015, cảng Tiên Sa đạt 6,4 triệu tấn (hàng container 258.000TEUS, hơn 3 triệu tấn hàng tổng hợp) so với công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm, chưa kể còn đón 52.000 lượt khách du lịch. Vì vậy đã quá tải cả về hàng container và hàng tổng hợp; xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông phía Đông sông Hàn, nguy cơ tai nạn giao thông, hư hại kết cấu hạ tầng đô thị.
Hiện tốc độ tăng trưởng của Cảng Đà Nẵng rất cao so với tốc độ chung cả nước, riêng hàng container chiếm 94% các cảng miền Trung. Dự báo đến năm 2022, tổng lượng hàng qua Cảng Đà Nẵng khoảng 12 triệu tấn, năm 2030 gần 28 triệu tấn, đến 2050 khoảng 56 triệu tấn nhưng khả năng lưu trữ của kho bãi cảng Tiên Sa chỉ 227.800TEUS và 677.600 tấn/năm nên không đủ đáp ứng, trong khi đây là điểm cuối của cả hai tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây 1 và 2.
Sau khi cảng Tiên Sa hoàn tất giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 10,4 triệu tấn/năm nhưng năng lực dự trữ của kho CFF để phục vụ việc thông qua hàng container cũng như năng lực dự trữ của kho hàng tổng hợp vẫn rất thiếu. Cộng với cảng Thọ Quang thì tổng công suất của Cảng Đà Nẵng đến năm 2022 chỉ lên tới 12 triệu tấn/năm là hết mức, không thể phát triển thêm được nữa. Đó là chỉ mới nói đến bốc xếp hàng hóa của cảng chứ chưa tính đến phải dành cho tàu du lịch!” - Phó giám đốc TEDIPORT Phùng Văn Phát nói.
Theo ông, hiện tàu du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng về số lượng cũng như kích cỡ nên khả năng đáp ứng của cảng Tiên Sa – Thọ Quang trong điều kiện như vừa nêu hết sức khó khăn. Mặt khác, kết nối với cảng này hiện chỉ có tuyến độc đạo Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - cầu Tiên Sơn… nhưng đây lại cũng là tuyến đường đến các khu du lịch ven biển. Hiện cảng Tiên Sa chỉ mới khai thác 6,4 triệu tấn nhưng xe cộ đã quá tải. Do mặt bằng cảng chật hẹp, thời gian giao nhận hàng hạn chế nên xe ra vào cảng đều phải chạy thật nhanh.
“Khi lượng hàng tăng lên thì lưu lượng xe cũng tăng lên, các nguy cơ về an toàn giao thông, xuống cấp hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường... cũng ngày càng trở nên bức xúc. Vì vậy việc tìm giải pháp thông qua lượng hàng hóa phù hợp với đà phát triển như vừa nêu là rất cấp thiết để đảm bảo sự phát triển cân đối về cảng cũng như về du lịch của Đà Nẵng. Giải pháp đó là phải sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để làm cảng hàng hóa và chuyển dần cảng Tiên Sa thành cảng du lịch!”, ông Phùng Văn Phát nhấn mạnh.
Ngay bây giờ, tình hình đã “rối tung rối mù”
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, không đợi đến năm 2022 mà ngay từ bây giờ, tình hình đã “rối tung rối mù”. Sau khi công bố phương án phân luồng chỉ cho lưu thông xe máy, ô tô con từ bờ Tây qua cầu Sông Hàn nhưng không cho lưu thông theo hướng ngược lại để thi công hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn thì quận Sơn Trà đã đề nghị cho lưu thông từ bờ Đông qua cầu Sông Hàn. Do lẽ đường Ngô Quyền, đoạn từ đầu cầu phía Đông cầu Sông Hàn đến đường Hà Thị Thân cũng đã xảy ra ùn tắc cục bộ, nếu dồn lượng xe lưu thông theo hướng này thì cũng xảy ra kẹt xe như từng xảy ra ở phía bờ Tây.
“Tôi chưa khi nào rời cơ quan trước 5h chiều, hôm qua đi thử lúc 5h thấy kẹt xe tùm lum hết. Đi lên sân bay mà thấy trước đây đường rộng thế, còn bây giờ ách tắc hết trơn. Cảng Tiên Sa mới 6 triệu tấn mà đã như vậy, lên đến 10 - 12 triệu tấn thì không biết xe chạy đường nào. Mà không chỉ xe ra vào cảng, đến lúc đó các xe cộ khác cũng tăng gấp đôi thì còn xung đột tới mức nào nữa. Tôi sợ khi cảng Tiên Sa lên 10 triệu tấn thì TP mình sẽ xấu xí đi.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HC.
Khi đó không biết có còn giữ được tình cảm của người dân và du khách đối với Đà Nẵng khi mà lượng xe cộ tăng lên như thế. Bây giờ người ta yêu mến Đà Nẵng vì thấy còn ê đêm, đường sá còn thông thoáng, dễ chịu, chứ đến lúc xe nối đuôi như ở cảng Cát Lái (TP.HCM), xe chạy không thể nào qua đường được thì thôi rồi. Lúc đó mình không còn có thể nói Đà Nẵng thế này, thế nọ nữa!”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ ra bức tranh toàn cảnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ở bờ Đông sông Hàn: Cầu Thuận Phước nối qua bán đảo Sơn Trà; sắp tới cầu (hoặc hầm) từ đường Đống Đa nối qua đường Vân Đồn, Vương Thừa Vũ xuống biển; cầu Sông Hàn nối qua đường Phạm Văn Đồng, cầu Rồng qua đường Võ Văn Kiệt, cầu Trần Thị Lý qua đường Nguyễn Văn Thoại, cầu Tiên Sơn qua đường Hồ Xuân Hương...
“Đó là những tuyến đường rất đẹp mà hiện nay thương mại, dịch vụ, du lịch đang sinh sôi nảy nở, phát triển rất mạnh. Du khách đến đây rất đông; các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... liên tục mọc lên. Hiện có tập đoàn du lịch tàu biển rất lớn trên thế giới đang chuẩn bị mở tuyến đến Đà Nẵng. Thử tưởng tượng có đoàn xe container hùng hục chạy qua suốt cả ngày, khói bụi mịt mù thì du khách cũng ớn đi chứ. Mất đi cảnh thanh bình liền, sẽ làm giảm rất nhiều giá trị dịch vụ, du lịch của khu vực này!”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Phải sớm tháo gỡ nút thắt cổ chai đối với sự phát triển của Đà Nẵng
Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, hiện xe container ra vào cảng Tiên Sa theo tuyến độc đạo Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - cầu Tiên Sơn...; không chỉ gây “rối tung rối mù” ở bờ Đông sông Hàn mà còn gây ùn tắc và nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến đường 2/9, Cách Mạng Tháng Tám. Về lâu dài, đây không thể là tuyến đường đi chung của du lịch và xe container, trong khi Đà Nẵng không thể đủ sức làm tuyến đường khác mức cho xe ra vào cảng Tiên Sa vì hiện nay nhà cửa đã quá dày đặc, không thể đền bù giải tỏa nổi.
“Có khi 7 – 8 ngàn tỉ cũng không làm nổi, chưa kể tuyến đường khác mức còn làm xấu cảnh quan đô thị. Vậy thì để tiền đó làm cảng Liên Chiểu. Đây là một trong các vấn đề bức bách mà tôi báo cáo rất nhiều tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP. Không sớm làm cảng Liên Chiểu sẽ tạo ra 2 điểm nghẽn cho sự phát triển của Đà Nẵng. Đó là nghẽn về du lịch và cũng nghẽn luôn về công nghiệp. Cả hai đều không phát triển được, giống như bị mắc nghẹn do vừa ăn cơm vừa uống nước. Không thể ăn cơm riêng, uống nước riêng mà phải cùng lần nên cả hai đều bị nghẹn!”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Ông bày tỏ “lo sợ” nếu làm không xong cảng Liên Chiểu mà lượng hàng qua Cảng Đà Nẵng lên 10 triệu tấn, cộng hưởng với sự tăng trưởng lượng du khách và tăng dân số cơ học thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Chỉ mới dừng đường Trần Phú mấy ngày mà cả TP đã rối tung, bức xúc ghê gớm. Dường như Đà Nẵng đang bị chậm về quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, vì vậy cần phải “nhảy” rất nhanh để vượt qua!
“Nếu bây giờ làm quyết liệt để chuẩn bị, kêu gọi đầu tư thì đến 2020 chưa chắc đã khởi động được cảng Liên Chiểu. Như cầu mới qua sông Hàn, bây giờ tổ chức thi nhưng chắc gì 7 năm nữa đã có cây cầu. Mà cái gì sẽ xảy ra với TP này trong 7 năm đó? Nếu duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 10%/năm như hiện nay thì 7 năm nữa sẽ lên đến hàng chục phần trăm, rồi dân số, nhà cửa, xe cộ... phát triển ào ào như thế!”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nhắc lại một lần nữa, khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông đã nhấn mạnh cảng Tiên Sa là nút thắt cổ chai đối với cả hai ngành du lịch và công nghiệp của Đà Nẵng, nên cần phải được mở sớm. Thủ tướng cũng rất chia sẻ với điều này.
Theo Infonet