Trong khi lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng rất quyết liệt ra chỉ đạo thu hồi dự án treo lâu năm thì đến nay, câu chuyện này vẫn đang bỏ ngỏ. Rất nhiều dự án được “chỉ mặt gọi tên” nhưng hiện tại, thành phố cũng chỉ mới ra công văn yêu cầu các sở ngành mời chủ đầu tư đến để… bàn việc thu hồi 2 dự án.
Dự án “thung lũng Silicon” vẫn chưa thể thu hồi. Ảnh: Nam Cường. |
Nói rất căng
Theo tìm hiểu của PV, vừa qua UBND thành phố Đà Nẵng đã ra văn bản (số 8937) về việc liên quan đến một số dự án ven biển chậm triển khai. Theo đó, với 3 dự án được lãnh đạo “chỉ mặt” thu hồi trong thời gian qua, gồm: Dự án Trường dạy nghề lướt ván; dự án Đầu tư Giải trí Đệ Nhất - International Food & Franchise Ltd và dự án Công viên dịch vụ, giải trí thể thao Huy Khánh thì mới chỉ một dự án duy nhất bị đốc thúc rất quyết liệt là dự án dạy nghề lướt ván. Sở KH&ĐT sẽ phải triển khai các bước thu hồi ngay trong tháng 11 này.
Đối với dự án Đầu tư Giải trí Đệ Nhất – International Food & Franchise Ltd, công văn nêu rõ giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT mời chủ đầu tư đến làm việc để đàm phán việc thu hồi dự án, thu hồi đất phục vụ công cộng và đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn thông tin; hoàn thành và báo cáo kết quả về UBND thành phố trong tháng 11/2015. Với dự án Công viên dịch vụ giải trí thể thao Huy Khánh cho tồn tại nhưng yêu cầu làm đúng quy hoạch, đúng mục đích.
Trên đây là 3 trong hàng chục dự án ven biển nằm bất động trong thời gian dài, được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố mổ xẻ rất quyết liệt từ cách đây hơn nửa năm. Đối với các dự án nội đô như Viễn Đông Meridian, cao ốc Vũ Châu Long… đều được xem là “điểm nóng” thu hồi với nhiều tối hậu thư của UBND thành phố cho chủ đầu tư. Đặc biệt, dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung (thung lũng Silicon), sau nhiều gia hạn cũng như chỉ đạo “phải thu hồi” nhưng đến nay vẫn bình chân như vại.
Vướng nhiều thứ
Một cán bộ Sở Kế hoạch và đầu tư, cho biết, nói thì dễ thế nhưng để thu hồi một dự án quả không đơn giản. Ví dụ công văn gần đây nhất liên quan đến 3 dự án treo nhiều năm chúng tôi vừa mới đề cập ở trên. Chỉ mới phát văn bản thu hồi nhưng nhà đầu tư đã lập tức phản kháng.
Ngay sau khi nhận văn bản này, một nhà đầu tư của dự án Đầu tư Giải trí Đệ Nhất – International Food & Franchise Ltd đã gửi đơn khiếu nại lên UBND thành phố, cho rằng Đà Nẵng đã có sự thiên vị. Cụ thể, 2 dự án Đệ Nhất và dạy nghề lướt ván bị thu hồi, còn dự án Công viên dịch vụ Huy Khánh được tồn tại. Nhà đầu tư này không ngần ngại tố cáo “em vợ Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhận đút lót để bảo kê cho dự án Huy Khánh”. Trao đổi với PV, ông Thọ nói đây là tố cáo vô căn cứ. “Đó là một sự vu khống. Tôi đảm bảo không bao giờ có chuyện đó”.
Ông Trần Thọ cho hay, sẽ báo cáo lên Thường vụ Thành ủy vấn đề này và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Điều đáng nói là dự án Đầu tư Giải trí Đệ Nhất có yếu tố liên quan đến nước ngoài nên đến nay, mọi việc vẫn đang là cùng bàn bạc để thu hồi. Tương tự, đối với dự án “thung lũng Silicon”, mặc dù chây ì, nợ tiền nhà thầu, bỏ mặc dự án nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thể thu hồi vì vướng luật.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Điểu cho hay, việc thu hồi “thung lũng Silicon” đến nay vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu bàn bạc chứ chưa đi đến quyết định thống nhất. Đây cũng là dự án liên quan đến yếu tố nước ngoài. Theo tìm hiểu, để có mặt bằng cho nhà đầu tư, Đà Nẵng đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng giải phóng, đền bù và tái định cư cho dân. Nhà đầu tư Tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc – Texas, Hoa Kỳ chưa mất một đồng cho các hạng mục cơ bản ngoài một ít vốn bỏ ra ở khâu thiết kế, chi phí ban đầu.
Một nguồn tin cho hay, nhà đầu tư muốn chuyển nhượng dự án. Một lãnh đạo cho rằng, việc chuyển nhượng là không trái luật, tuy nhiên trước đó cần phải làm thủ tục tài chính cho nhà nước rồi mới được chuyển nhượng.
Đối với những dự án chây ì, chậm trễ, thậm chí không làm nghĩa vụ tài chính đã khó thu hồi như thế, còn với các dự án mà chủ đầu tư gặp khó khăn, vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính thì việc thu hồi gần như là bế tắc. “Chúng tôi nộp ngân sách tiền sử dụng đất đầy đủ, chẳng qua do tình hình tài chính khó khăn nên đành ngâm dự án. Nhưng theo luật, thành phố nếu thu hồi cứ việc đền bù” – một nhà đầu tư (xin giấu tên) nói với PV.
Theo Báo Tiền Phong