"Nếu Việt Nam muốn có khu vực tư nhân năng động tương xứng, các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy khả năng đổi mới, sáng tạo", ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB.
"Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên từ 50-60% GDP", đó là những lời nhắc nhở của Thủ tướng đối với doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn doanh nghiệp tư nhân lần thứ 2 mới diễn ra.
Đổi mới, sáng tạo cũng là một ước nguyện được Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ bên lề buổi diễn đàn này. Ông nói: "Hiện giờ, tôi có hai ước nguyện. Một là các doanh nghiệp Việt Nam hãy chọn con đường phấn đấu, con đường công nghệ, sáng tạo để đi lên. Con đường khó, nhưng thành công ấy sẽ bền vững. Chúng ta cần nhiều hơn doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu.
Hai là, phải xoá bỏ xin- cho trong môi trường kinh doanh. Khi xin- cho còn phổ biến, con đường làm giàu trở nên quá dễ, nhưng sự dễ dãi này đang làm mất năng lực cạnh tranh của cả doanh nghiệp và của nền kinh tế".
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng đề cao vai trò của đổi mới sáng tạo trong thay đổi kinh tế các nước đang phát triển. Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) do ADB tài trợ cũng hướng tới mục tiêu này.
"Nếu Việt Nam muốn có khu vực tư nhân năng động tương xứng, các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy khả năng đổi mới, sáng tạo", ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, Trưởng dự án cho biết.
Hiện chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2016 đứng thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia. Việc phát triển Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới, sáng tạo hàng đầu sẽ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường quốc tế, bảo vệ sự sáng tạo, đổi mới khỏi cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất.
Startup Việt Nam nên tập trung vào những ngành nào
Hiện tại các công ty tư nhân Việt Nam chỉ dành 3% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Sự chú ý từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp của Việt Nam đã tạo ra những dấu hiệu khích lệ cho sự thay đổi trong suy nghĩ của các doanh nhân trẻ. Sự bùng nổ gần đây của các không gian làm việc, vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình phát triển đang thúc đẩy sự đổi mới.
Tuy nhiên ông Dominic Mellor cũng cho biết hiện các doanh nghiệp startup ở Việt Nam vẫn chưa tìm được một bản sắc hoặc khai thác một vị thế cạnh tranh toàn cầu. Thay vào đó, hầu hết các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa đều tập trung vào chi tiết nhỏ, hợp đồng sản xuất linh kiện, ứng dụng phần mềm nước ngoài hay dịch vụ trực tuyến cho thị trường trong nước.
MBI nhận thấy có một số ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp sáng tạo của Việt Nam có thể tìm kiếm thị trường trong nước mạnh mẽ và lợi thế cạnh tranh tự nhiên trên toàn cầu. Đó là công nghệ tài chính, du lịch, nông nghiệp và các giải pháp công nghệ để quản lý mật độ đô thị.
Trong các ngành công nghiệp này, các doanh nghiệp Việt Nam có những hiểu biết quốc tế, nhu cầu thị trường rõ ràng và cần thiết, và khả năng sử dụng thị trường trong nước để đưa ra các giải pháp có khả năng toàn cầu hóa trong tương lai.
Trong 4 lĩnh vực tiềm năng được chuyên gia này nêu ra, hiện nay giới startup đang khai thác mạnh các ứng dụng fintech. Hiện có hai phần ba startup fintech Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến như 1Pay, 123Pay, Payoo, VinaPay, OnePay, MoMo,... hoặc giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/MOS như iBox, Moca.
Về quản lý đô thị hiện cũng có một ứng dụng ra đời nhưng chủ yếu được đặt hàng từ cơ quan nhà nước như UDI Maps cung cấp thông tin về triều cường và ngập úng tại Tp.HCM, ứng dụng bản đồ giao thông VOV hay iParking quản lý đỗ xe tại Tp.Hà Nội.
Ứng dụng di động giúp người dân có được thông tin kịp thời về các điểm ngập nước, tình hình triều cường. |
Thảo Nguyên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế